"Siêu thành phố" NEOM:

Biến viễn tưởng thành hiện thực

- Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:22 - Chia sẻ
Ảrập Xêút đã bắt đầu xây dựng các khu vực đô thị đầu tiên trong dự án phát triển "siêu thành phố” NEOM trị giá khoảng 500 tỷ USD, với quy mô bằng 33 lần thành phố New York của Mỹ. Được trang bị những công nghệ tiên tiến bậc nhất như mặt trăng nhân tạo, ô tô bay, nhân viên robot… "siêu thành phố" này được đánh giá là dự án tham vọng nhất thế giới nhằm biến trí tưởng tượng của con người thành hiện thực.

Tương lai mới

NEOM là từ ghép của tiền tố “neo” (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mới”) và “mustaqbal” (trong tiếng Ảrập có nghĩa là “tương lai”), muốn nói đến tương lai mới của Ảrập Xêút.

Thành phố được Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman công bố tại Hội nghị Sáng kiến ​​đầu tư tương lai ở Riyadh, ngày 24.10.2017. Ông cho biết nó sẽ hoạt động độc lập với “khuôn khổ Chính phủ hiện có”, sở hữu hệ thống thuế và lao động riêng, cũng như một hệ thống luật pháp và tư pháp tự trị hoàn toàn.

Thành phố tương lai NEOM sẽ có 16 quận được quy hoạch trên bờ biển đỏ, tỉnh Tabuk. Với tổng diện tích lên tới 26.500km2, gấp 33 lần thành phố New York của Mỹ và 37 lần Singapore.

Khu vực này có địa hình sa mạc, vốn rất cằn cỗi. Tuy nhiên Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman muốn biến vùng đất hoang vu này trở thành thành phố thông minh, đáng sống nhất thế giới. Bởi thành phố sẽ được thiết kế và xây dựng từ đầu, nên đã có rất nhiều ý tưởng về cơ sở hạ tầng và tính di động được đưa vào dự án. Các quan chức Ảrập Xêút cho rằng đây là dự án “tham vọng bậc nhất thế giới”.

Thái tử Mohammad bin Salman cho biết, thành phố sẽ là nơi sinh sống của hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu người. Trong thành phố sẽ có ô tô, taxi tự động, hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop, taxi bay, liên kết Ảrập Xêút với toàn thế giới. “Họ sẽ bay trên những chiếc taxi bay không người lái đến nơi làm việc, trong khi robot dọn dẹp nhà cửa. Thành phố này sẽ thay thế Thung lũng Silicon về công nghệ, thay thế Hollywood về giải trí và thay thế French Riviera như là một địa điểm du lịch đáng mơ ước nhất trên thế giới. Thành phố sẽ xây dựng một dự án chỉnh sửa gen để làm cho mọi người trở nên mạnh mẽ hơn”, vị Thái tử cho biết.

Dự án NEOM là một phần của Tầm nhìn 2030, được Quỹ đầu tư công Ảrập Xêút tài trợ 500 tỷ USD, bên cạnh nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa Ảrập Xêút giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, xây dựng quốc gia này thành một trung tâm công nghệ.

Công việc phát triển giai đoạn đầu tiên của dự án là NEOM Bay (Vịnh NEOM) đã được lên kế hoạch bắt đầu vào quý đầu tiên của năm 2019 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Các phát triển bao gồm xây dựng sân bay tại Sharma, nơi sẽ vận hành các chuyến bay thương mại thường xuyên giữa Riyadh và NEOM. Kế hoạch phát triển NEOM Bay cũng liên quan đến việc xây dựng khu dân cư đầu tiên ở NEOM như một phần của giai đoạn 1, bao gồm hệ thống nhà ở, các cơ sở du lịch và trung tâm phát triển sáng tạo. Phần một của dự án NEOM cũng sẽ bao gồm các đô thị kinh doanh khác, được xây dựng theo từng năm, bắt đầu khởi động từ năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Công nghệ trong mơ

NEOM sẽ được trang bị các công nghệ thế hệ mới, tạo ra một hệ sinh thái đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng tiên tiến. Giám đốc điều hành NEOM Nadhmi Al-Nasr cho biết: “NEOM là tất cả những gì bất thường và bất ngờ. NEOM là tương lai, mạo hiểm và táo bạo và nó còn hơn cả một giấc mơ: đó là một kế hoạch để nâng cao cách chúng tôi làm việc và sống”.

 Thành phố này sẽ dùng công nghệ "gieo hạt trong đám mây" (Cloud seeding) để tạo các đám mây nhân tạo cho ra lượng mưa nhiều hơn bình thường tưới mát vùng sa mạc khô cằn.

Người dân tại thành phố công nghệ này sẽ dùng ô tô bay là phương tiện giao thông quan trọng. Các quan chức đứng đầu dự án cho rằng trong tương lai, việc lái xe truyền thống chỉ là cách để giải trí, không phải phương thức vận chuyển chính thức.

Cư dân của NEOM cũng sẽ được thưởng thức các món ăn từ nhiều nhà hàng sao Michelin hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới. 

Thành phố cũng có hệ thống giám sát và an ninh tiên tiến sử dụng máy bay không người lái, camera và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Ấn tượng nhất là việc Neom sẽ được thắp sáng vào ban đêm nhờ mặt trăng nhân tạo. Trong tương lai sẽ có cả mặt trời nhân tạo. Chưa rõ chi tiết cách công nghệ này được thực hiện ra sao. Hồi tháng 10.2018, Trung Quốc cũng giới thiệu về một dự án Mặt trăng nhân tạo, có cường độ chiếu sáng mạnh hơn mặt trăng thật 8 lần, bao phủ khu vực đường kính rộng từ 10 - 80km, phạm vi chiếu sáng chính xác được điều khiển trong vòng vài chục mét.

Ngoài ra, giáo dục trong thành phố NEOM cũng hoàn toàn khác với các thành phố khác trên thế giới với các lớp học giảng dạy bởi giáo viên "thực tế ảo" không gian 3 chiều. Học sinh sẽ có thể tiếp cận các công nghệ nhất thế giới như mạng 5G và 6G, robot, máy chiếu toàn ảnh, siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, giao diện não người - máy tính.

Cư dân thành phố NEOM sẽ sống trong những ngôi nhà sinh thái và thông minh, được cung cấp năng lượng bởi các công viên mặt trời và trang trại gió.

NEOM cũng sẽ xây dựng một hòn đảo giống như Công viên kỷ Jura với khủng long robot, cho phép du khách và cư dân có thể khám phá.

Một trong những đề xuất giá trị của NEOM là trở thành một phòng thí nghiệm mở cho tất cả các nhà đổi mới từ khắp nơi trên thế giới đến và thử nghiệm các công nghệ của họ. Tất cả các thành phần kinh tế trong thành phố sẽ giới thiệu những công nghệ mới nhất và sáng tạo nhất, giúp con người tham gia vào xã hội nhiều hơn, thay vì lãng phí thời gian của họ vào những công việc thừa thãi hàng ngày.

Mặt trăng nhân tạo

Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao

Trong số những kế hoạch vô cùng tham vọng của mình, NEOM muốn thu hút cư dân tiềm năng bằng cách quảng bá mình như một điểm đến tiên tiến cho sức khỏe và hạnh phúc, với các cơ sở y tế hiện đại và phương pháp điều trị bệnh “đẳng cấp thế giới”. Tiến sĩ Maliha Hashmi, Phó phụ trách Bộ phận Y tế và Sức khỏe, Công nghệ sinh học của thành phố, giải thích: Các bệnh viện thông minh đa chuyên khoa sẽ được phân bổ trên toàn thành phố, cung cấp một loạt các dịch vụ tự động. Hệ thống tiên tiến này sẽ dựa trên việc chủ động phòng ngừa chứ không chỉ điều trị. Trọng tâm sẽ là kiểm soát cơn đau, các bệnh về cơ, xương và ung thư, cũng như một cách tiếp cận tổng thể cân bằng đối với sức khỏe.

Một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chuyên dụng, tích hợp công nghệ di truyền và thông minh với trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp NEOM đưa ra các đánh giá theo thời gian thực và “cặp song sinh kỹ thuật số” cho cả người dân và du khách.

Tại thời điểm nhập cảnh, tất cả mọi người - cả người Neomia và du khách - sẽ có cơ hội được tạo ra một cặp song sinh kỹ thuật số của chính họ. Điều này sẽ dẫn đến việc điều trị y tế được cá nhân hóa và chính xác. Các lộ trình điều trị chung sẽ bị loại bỏ và mọi thứ sẽ được phục vụ cho hồ sơ bộ gen cụ thể của một người. Những phương pháp này tồn tại ngày nay, nhưng đơn giản là chưa được đưa lên quy mô ở cấp độ này.

Ảrập Xêút hiện chi khoảng 12,5 tỷ USD cho việc chăm sóc sức khỏe ở nước ngoài, vì vậy những người giám sát NEOM coi sự phát triển của thành phố là cơ hội để chuyển số tiền đó trở lại trong nước. Năm 2013, Chương trình Bộ gen của người dân Ảrập Xêút (SHGP) đã được ra mắt nhằm giải mã trình tự bộ gen của toàn bộ dân số nước này, giúp chẩn đoán sớm các rối loạn di truyền và ngăn ngừa các bệnh di truyền phổ biến.

Công nghệ sinh học là một trong 16 ngành công nghiệp ưu tiên của NEOM, thành phố đặt mục tiêu đi đầu trong các phát triển về liệu pháp gen, cứu tế bào gốc, sinh học nano và sản xuất dược phẩm. Thậm chí, "gã khổng lồ" công nghệ Nhật Bản Softbank đã đưa ra kế hoạch tạo ra “một cách sống mới tại NEOM từ khi sinh ra đến khi chết bằng đột biến gen để tăng cường sức khỏe và chỉ số IQ của con người”.

Tranh cãi và thách thức

Trở lại năm 2017, Dự án NEOM đã được công bố tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai - một sự kiện thường niên được tổ chức tại Riyadh để thảo luận về các xu hướng kinh tế và đầu tư toàn cầu. Với tham vọng tương lai của thành phố, thật là phù hợp khi tại chính nơi đây, một robot hình người thông minh có tên Sophia đã tuyên bố mình là công dân Ảrập Xêút - lần đầu tiên trong lịch sử một thiết bị AI được trao tặng vị thế như vậy.

Khi nói đến NEOM, thật khó để tìm ra nơi thực tế kết thúc và niềm tin hoành tráng bắt đầu. Ban cố vấn của dự án gồm những nhà khoa học và công nghệ nổi tiếng quốc tế, trong khi Ảrập Xêút cho đến nay đã bơm 1 tỷ USD vào Lucid, nhà sản xuất ô tô tự hành đối thủ của Tesla, điều mà nhiều người coi là không phải ngẫu nhiên. 

Hussein Ahmed, nhà phân tích công nghệ của Công ty Tư vấn và Phân tích dữ liệu GlobalData có trụ sở tại Anh, tin rằng NEOM có thể xây dựng dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình phát triển các thành phố thông minh khác trong khu vực. “Thái tử Mohammed bin Salman đã nhìn thấy tiến độ xây dựng ở những nơi như Dubai và Qatar. Nếu các bài học được rút ra, thì chúng có thể được sử dụng làm bản thiết kế”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, dự án đưa ra những ý tưởng về việc sử dụng một số công nghệ thậm chí còn chưa tồn tại như ô tô bay, robot khủng long và mặt trăng nhân tạo khổng lồ… đặt ra rất nhiều nghi ngờ về tính khả thi.

Nhà phân tích công nghệ Josh Hewer của GlobalData vẫn hoài nghi rằng giai đoạn đầu tiên của Neom có thể hoàn thành vào năm 2025. “Là một thành phố tương lai tập trung vào công nghệ tiên tiến, NEOM là một khái niệm khả thi. Nhưng tôi không tin rằng nó có thể được hoàn thành trong một thập kỷ”.

Nhà phân tích John Rossant thì bình luận: “Tôi nghĩ còn quá sớm để nói đây có phải là một mô hình đô thị hóa tích cực hay không. Các thành phố mới thành công khi chúng phát triển theo ý mình. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu lý tưởng, sự đầu tư và ý định đổi mới của NEOM có thể tạo ra động lực này hay không”.

Một số người thực tế hơn thì cho rằng, NEOM chỉ có thể thành công nếu thu hút được nguồn tài chính và tài năng từ nước ngoài một cách nghiêm túc - điều mà nhiều dự án siêu dị khác của Ảrập Xêút, chẳng hạn như Thành phố Kinh tế King Abdullah, cho đến nay vẫn chưa làm được. Là dự án đầu tiên trong số 6 dự án siêu thành phố được công bố vào năm 2005, Thành phố Kinh tế King Abdullah đã không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài và tính đến năm 2018, dân số nơi đây mới chỉ 7.000 người - còn cách xa so với mục tiêu hai triệu người của chính phủ vào năm 2035.

Chính phủ Ảrập Xêút cũng đang chịu nhiều sức ép liên quan đến tiến độ hoàn thành dự án NEOM, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án phải hoàn thành vào năm 2025. Cho đến nay, một số cơ sở của NEOM đã mở cửa, và sân bay NEOM đã được đăng ký là sân bay quốc tế chính thức, sẽ được sử dụng cho các chuyến bay thương mại vào cuối năm nay. Nhưng liệu Ảrập Xêút có thể đạt được tất cả những tham vọng đã nêu hay không, chỉ có thời gian mới có câu trả lời.

Quốc Đạt