Bình tĩnh, chủ động trong sản xuất

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:24 - Chia sẻ
Để triển khai các giải pháp ổn định sản xuất và bình ổn giá tôm nguyên liệu, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm trấn an tâm lý người dân; khuyến cáo người dân không nên thu hoạch sớm tôm khi chưa đạt kích cỡ để bán, tránh trường hợp bị ép giá. Đồng thời, thông tin kịp thời đến người dân và doanh nghiệp diễn biến nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả để người dân chủ động trong sản xuất.

Giá tôm có chiều hướng giảm

Ðược mệnh danh là “thủ phủ” của tôm, Cà Mau hiện có hơn 279.851ha nuôi tôm trong tổng số khoảng 302.635ha nuôi trồng thủy sản. Ðặc biệt, trong đó có hơn 8.571,8ha với khoảng 13.966 hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Cùng với hoạt động nuôi trồng, hơn 4.567 phương tiện đang ngày đêm hoạt động khai thác trên biển cũng đóng góp không nhỏ vào sản lượng và sự đa dạng, phong phú các mặt hàng thủy sản cho thị trường trong và ngoài nước.

Với những nỗ lực chuyển đổi trong sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, cho đến hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường… hoạt động xuất khẩu của tỉnh, nhất là đối với mặt hàng thủy sản, chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 303.700 tấn, trong đó tôm khoảng 107.040 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 455,6 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng thuỷ sản đạt trên 423,8 triệu USD.

Dù lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, chế biến tôm xuất khẩu của tỉnh tiếp tục phát triển, gia tăng trong những tháng đầu năm 2021, song theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà mau, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian gần đây, giá một số mặt hàng thủy sản đang có chiều hướng giảm, tạo ra tâm lý lo lắng cho người nuôi, nhất là đối với loại hình có mức đầu tư lớn như thâm canh và siêu thâm canh.

Theo đánh giá của Phó chủ tịch Hội Thủy sản huyện Phú Tân Lê Minh Thường, giá tôm giảm do nhiều nguyên nhân, trong số đó là việc vận chuyển mặt hàng tôm hiện đang khó khăn vì một số địa phương thiết lập biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Thêm vào đó, giá cả vật tư ngành nuôi tôm đang có chiều hướng tăng, gây thêm gánh nặng đầu tư cho người nuôi.

Đồng thời, dịch Covid-19 đã xuất hiện rộng ở khu vực phía Nam, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản cũng đang trong giai đoạn hết sức khó khăn. Bởi, chỉ cần xuất hiện các ca F0, F1 thì nguy cơ đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động hiển hiện trước mắt. Do đó, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn ngành thuỷ sản hết sức thận trọng khi không bung hết sức để thu mua nguyên liệu, cắt giảm quy mô sản xuất để bảo đảm mục tiêu kép.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu có dấu hiệu sụt giảm

Không để sản xuất, kinh doanh gián đoạn

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Công Bằng, 2 năm dịch bệnh cũng là thời gian diện tích và sản lượng ngành tôm đều tăng với tốc độ ấn tượng. Hiện nay, các yếu tố thị trường đầu ra đang tăng trưởng trở lại. Nguyên nhân khiến giá tôm biến động phần nhiều vẫn là do tâm lý bất an của người nuôi.

Tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mới đây, để triển khai các giải pháp ổn định sản xuất và bình ổn giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã yêu cầu các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm trấn an tâm lý người dân; khuyến cáo người dân không nên thu hoạch sớm tôm khi chưa đạt kích cỡ để bán, tránh trường hợp bị ép giá. Kịp thời thông tin đến người dân và doanh nghiệp diễn biến nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả để người dân bình tĩnh, chủ động trong sản xuất và chờ đợi cơ hội từ thị trường.

Trong đó, yếu tố mùa vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nuôi tôm tuân thủ. Việc thu hoạch ồ ạt khi có biến động giá cả cũng cần phải chấm dứt. Mật độ nuôi tôm của người dân, đặc biệt là với loại hình công nghiệp, siêu thâm canh cần giãn ra để chủ động trong khâu thu hoạch. Người dân cần liên tục cập nhật thông tin về thị trường, bình tĩnh chờ đợi các điều kiện thuận lợi để bảo đảm đạt năng suất và lợi nhuận.

Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm có thông tin chính xác, khách quan, kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có Công văn số 3622/UBND-NNTN về phát triển sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường, để có những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, qua đó đưa ra khuyến cáo cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Ðồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, đặc biệt là tình hình cung ứng giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất; kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp bảo đảm sản xuất của người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt không để gián đoạn việc vận chuyển vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất.

Nhật Phương