Bộ Công thương đề xuất tháo gỡ khó khăn cho 11 nhóm ngành hàng sản xuất công nghiệp

- Thứ Năm, 29/07/2021, 16:59 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, chậm giao hàng, ảnh hưởng lớn tới đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất.

Đề xuất tiêm vaccine cho công nhân

Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Tại cuộc họp với Cục Công nghiệp mới đây, 11 hiệp hội ngành hàng (gồm nhiều ngành như ô tô, dệt may, điện tử, sữa...) đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất được ưu tiên sớm tiêm vaccine nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước những kiến nghị đó, cùng với tình hình khó khăn tại các khu công nghiệp hiện nay, Cục Công nghiệp tiếp tục đề xuất Bộ Công thương đề nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, bổ sung đối tượng lao động trong ngành vận tải (lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…) là đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine. Cục Công nghiệp cho rằng đây là lực lượng tuyến đầu chống dịch và bảo vệ được lực lượng này sẽ đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương đề xuất tiêm vaccine cho công nhân.
Bộ Công thương đề xuất tiêm vaccine cho công nhân.
Nguồn ảnh: Internet

Đơn giản hóa thủ tục, áp dụng linh hoạt giờ làm

Bên cạnh giải pháp ưu tiên tiêm vaccine, Cục Công nghiệp đề nghị các địa phương tùy theo tình hình trên địa bàn để đơn giản hóa các quy định, thủ tục phòng dịch. Trong đó, đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh, xét nghiệm gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng.

Đối với lái xe, phụ xe liên tỉnh đã được tiêm vaccine, Bộ Công thương cho rằng cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trong nhóm các giải pháp khác nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, Cục Công nghiệp đề nghị xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng. Tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, nhất là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da-giày, điện tử.

Các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính trực tuyến, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp phía Nam, với đặc thù sử dụng nhiều lao động từ các địa phương khác, Cục Công nghiệp cho rằng chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”.

Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động, tài chính để hoạt động trở lại sau dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Thảo Anh