Bộ Giao thông Vận tải họp báo thông tin vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

- Thứ Năm, 04/11/2021, 19:55 - Chia sẻ
Chiều 4.11, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đồng chủ trì buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đồng chủ trì buổi họp báo

 Tại buổi họp báo, Giám đốc Ban quản lý dự án, Bộ Giao thông Vận tải Vũ Hồng Phương cho biết, Dự án có chiều dài 13,5km, với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Tốc độ khai thác 35km/h, thời gian chạy toàn tuyến từ Hà Đông đến Cát Linh là 23,6 phút; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ - 23 giờ hàng ngày. Khung giờ cao điểm, tần suất 6 phút /chuyến; sức chở 964 người/đoàn tàu. Lưu lượng tối đa là 1,2 triệu người/ngày. “Trước khi đưa vào khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chạy thử thử liên tục 20 ngày với khoảng hơn 5.740 chuyến tàu chạy, tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước”, ông Phương nói.

Thông tin về ngày bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định: Đúng 7h ngày 6.11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao tiếp nhận, sau đó sẽ chính thức khai thác vận hành thương mại.

Phó Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải Uông Việt Dũng phát biểu khai mạc buổi Họp báo

Đề cập về vấn đề giá vé tàu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường (đơn vị tiếp nhận khai thác, vận hành dự án) cho biết: "Giá vé tàu tương đương vé xe buýt khoảng 8 nghìn đồng/người/ga đầu tiên, đi thêm một ga là 9 nghìn đồng và đi cả tuyến là 15 nghìn đồng". Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày).

Đối với người đi vé tháng có các mức giá: 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí tiền vé. “Vé tháng của tàu Cát Linh – Hà Đông có tính ưu việt sử dụng trong 30 ngày, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau và có vé ngay”, ông Trường cho biết thêm.

Liên quan đến trách nhiệm các cơ quan khi để dự án chậm tiến độ nhiều năm và tăng vốn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, việc dự án chậm trễ do rất nhiều lý do như: thủ tục, hợp đồng, giải phóng mặt bằng và các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. TP Hà Nội chịu trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Thành phố và các quận đã rất cố gắng, dự án chậm 5-6 năm thì riêng giải phóng mặt bằng cũng mất tới 3 năm. "Dự án sẽ là bài học rất lớn cho các dự án tiếp theo", ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tảu Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên, dự án thí điểm và kéo dài nên sẽ không lường trước được những phát sinh. Qua tuyến Cát Linh - Hà Đông rút ra 5 bài học lớn cho triển khai các dự án tới đây, như tách mặt bằng khỏi dự án để không ảnh hưởng dự án; khi triển khai cần đồng bộ chính sách, quy định, tiêu chuẩn để tránh vướng mắc khi triển khai mới phát sinh; bài học chuẩn bị đầu tư cần tốt hơn.

+ Trước đó, ngày 29.10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) tổ chức kiểm tra hiện trường, họp đánh giá kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ BGTVT ngày 15-10-2008 (phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23-2-2016), bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15.10.2008 là 8.769,9 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Qua 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 18.001,5 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỉ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay của Trung Quốc là 13,867,1 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134,399 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD.

Từ năm 2008 đến tháng 8.2014, Dự án do Cục Đường sắt Việt Nam làm Chủ đầu tư. Từ tháng 8.2014 đến nay, Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư. Ban quản lý dự án Đường sắt làm đại diện Chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC).

Chí Tuấn