Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh

Bài 1: Yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động

- Thứ Hai, 24/08/2020, 09:13 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, một lần nữa vấn đề bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh lại được đặt ra. Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 46 (tháng 7.2020), việc ban hành nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hoàn thành trước ngày 15.10.2020. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu quý độc giả loạt bài viết với mong muốn có thêm một góc nhìn từ lịch sử đến thực trạng áp dụng pháp luật và một số kiến nghị để hoàn thiện tổ chức, hoạt động bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND cấp tỉnh.

Bài 1: Yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động

Là một điều kiện bảo đảm để hoạt động của HĐND có hiệu quả, chất lượng, trước những đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND đòi hỏi phải kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND theo hướng chuyên nghiệp, hợp lý, bảo đảm yếu tố đặc thù riêng của cơ quan tham mưu, phục vụ hoạt động dân cử. Trong đó, yêu cầu về việc đủ số lượng nhân lực, sâu về chuyên môn nhưng đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc về tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bảo đảm điều kiện tốt nhất làm cầu nối đại biểu - cử tri

Chức năng của bộ máy giúp việc đư­ợc thể hiện ở hai loại công tác: Một là, công tác tham mưu tổng hợp, nghiên cứu đề xuất ý kiến những vấn đề thuộc về công tác tổ chức công việc, điều hành bộ máy để thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung của cơ quan. Hai là, công tác bảo đảm điều kiện vật chất kỹ thuật cho cơ quan hoạt động, bộ máy giúp việc vừa là chủ thể nghiên cứu, đề xuất ý kiến với lãnh đạo, vừa trực tiếp thực hiện công việc sau khi lãnh đạo có ý kiến phê duyệt. Đồng thời, phải mua sắm, quản lý, tổ chức sử dụng toàn bộ tài sản, kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật của cơ quan. Hai loại công tác này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ở mỗi loại cơ quan, do đặc điểm riêng nên bộ máy giúp việc có thể được giao những nhiệm vụ khác nhau.

HĐND cấp tỉnh là cơ quan bao gồm các đại biểu HĐND do cử tri trong địa giới hành chính cấp tỉnh bầu ra để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân của địa phương cùng cấp. Với đặc thù là một cơ quan dân cử, đối tượng được giúp việc là những đại biểu HĐND được bầu theo nhiệm kỳ và đa số hoạt động kiêm nhiệm, yêu cầu đặt ra đối với bộ máy tham mưu, phục vụ HĐND ngoài các yếu tố trên còn bảo đảm được sự hài hòa trong công tác tham mưu, phục vụ cho nhiều chủ thể mang đặc trưng của cơ chế hoạt động tập thể. Đặc biệt là bảo đảm điều kiện tốt nhất làm cầu nối giữa đại biểu HĐND cấp tỉnh với cử tri.

Đại hội Chi bộ Văn phòng HĐND tỉnh Bạc Liêu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ảnh: N. Hiển
 

Kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hợp lý

Cùng với đổi mới trong tổ chức và hoạt động của HĐND, vấn đề đổi mới và nâng cao chất lượng bộ máy tham mưu, phục vụ cho HĐND là yêu cầu thiết yếu. Vì đây là yếu tố tác động lớn đến công tác tham mưu, tổ chức phục vụ và bảo đảm mọi điều kiện hoạt động của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ quan dân cử tại địa phương.   

Những điểm mới về tổ chức và hoạt động của HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi năm 2019) và các văn bản pháp luật liên quan đặt ra yêu cầu đổi mới bộ máy tham mưu, phục vụ cho HĐND. Những yêu cầu đó là: Bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND cấp tỉnh cần được xác định rõ địa vị pháp lý tương xứng với các cơ quan giúp việc cho các cơ quan khác để cân xứng trong việc xác định mối quan hệ giữa HĐND và UBND, UBMTTQ và các cơ quan cấp tỉnh. Cùng với đó, cần được tăng cường về biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc tham mưu, phục vụ cho nhiều chủ thể và đa dạng các nội dung hoạt động của HĐND. Việc tăng cường số lượng biên chế là yêu cầu tất yếu với chủ trương tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách.

Đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan tham mưu, phục vụ của HĐND phải thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vì khối lượng công việc, lĩnh vực hoạt động của HĐND rộng, bao quát mọi lĩnh vực với các phương thức hoạt động đa dạng. Bộ máy giúp việc của HĐND cần được đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng thường xuyên hơn để đáp ứng sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của HĐND, các tổ chức bên trong của HĐND. Ví dụ: Về thẩm quyền của Thường trực HĐND nên bộ máy tham mưu, phục vụ được bổ sung thêm nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND tổ chức các phiên chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp; giúp Ban của HĐND thẩm tra các văn bản do UBND trình giữa hai kỳ họp của HĐND theo phân công của Thường trực HĐND; nhiệm vụ phục vụ Tổ đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát, giúp đại biểu HĐND tổng hợp chất vấn…

Tóm lại, bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND là một điều kiện bảo đảm để hoạt động của HĐND có hiệu quả, chất lượng. Trước những đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND, đòi hỏi phải kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy này theo hướng chuyên nghiệp, hợp lý, phải tuân thủ các nguyên tắc về tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước; mang đặc thù riêng của cơ quan tham mưu, phục vụ cơ quan dân cử nhưng phải có đủ nhân lực; vừa có chuyên môn sâu vừa có tính tổng hợp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

HOÀNG LAN