Bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh

Bài 3: Chưa tương thích với việc đổi mới tổ chức, hoạt động HĐND

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:07 - Chia sẻ
​​​​​​​Tuy được nâng cao về vị trí pháp lý nhưng cơ cấu của cơ quan giúp việc HĐND cấp tỉnh không có sự tương thích, chưa bảo đảm đủ nhân sự tham mưu, phục vụ cho HĐND đạt hiệu quả cao nhất. Do vậy, việc nghiên cứu những vấn đề tồn tại trong tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND cần được cân nhắc trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định các nội dung về bộ phận giúp việc của HĐND trong Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.

Thực hiện Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, từ năm 2016 đến nay, tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND cấp tỉnh được thực hiện theo Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ (từ ngày 1.1.2019, có 12 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Việc thực điểm thí điểm chỉ áp dụng tại 12 địa phương và đã kết thúc, do vậy, bài viết không đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy giúp việc HĐND theo mô hình này).

Chưa căn cứ vào số lượng đại biểu, cơ cấu tổ chức HĐND

Theo Nghị định số 48, Văn phòng HĐND là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực, Ban và đại biểu HĐND cấp tỉnh; có Chánh Văn phòng và không quá 2 Phó Chánh Văn phòng; Chánh Văn phòng do HĐND cấp tỉnh bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Việc quy định Chánh Văn phòng là đại biểu HĐND, là ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh khẳng định vai trò của bộ máy giúp việc, sự gắn liền hoạt động của Văn phòng đối với hoạt động của Thường trực HĐND.

Về cơ cấu tổ chức, Văn phòng HĐND cấp tỉnh có 2 phòng là Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Trong đó, Phòng Tổng hợp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các phòng chuyên môn trước đây (có thể là Phòng Công tác HĐND, Phòng Tổng hợp và Thông tin Dân nguyện; Phòng nghiệp vụ Kinh tế và Ngân sách; Phòng nghiệp vụ Văn hóa - Xã hội; Phòng nghiệp vụ Pháp chế). Phòng Hành chính - tổ chức - quản trị thành lập trên cơ sở phòng Tổ chức - hành chính của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.

Phòng thuộc Văn phòng HĐND cấp tỉnh có Trưởng phòng và 1 Phó Trưởng phòng. Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh bổ nhiệm Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng theo quy định về bổ nhiệm công chức. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng ngoài nhiệm vụ quản lý còn đảm nhiệm công việc chuyên môn. Theo thống kê, khi thực hiện mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND theo Nghị quyết 545/NQ- UBTVQH12, cả nước có 8 địa phương thành lập 3 phòng, 38 địa phương thành lập 4 phòng, 8 địa phương thành lập 5 phòng, 3 địa phương thành lập 6 phòng, 5 địa phương thành lập 7 phòng, 1 địa phương thành lập 8 phòng.  

Như vậy, trước khi thực hiện Nghị định số 48, nhiều địa phương đã thành lập các phòng chuyên môn tương ứng với các Ban của HĐND. Cụ thể: Phòng Pháp chế, Phòng Văn hóa - xã hội, Phòng Kinh tế - Ngân sách và các phòng chuyên môn nghiệp vụ riêng như Phòng Dân nguyện, Phòng Thông tin. Vì vậy, khi thực hiện Nghị định số 48 (việc giảm bớt số phòng và quy định chỉ có 1 Phó phòng), việc bố trí nhân sự của các phòng trước kia gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý công chức làm việc tại Văn phòng. Với chủ trương tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, nhiều địa phương đã bố trí Trưởng, Phó phòng làm Phó trưởng ban chuyên trách. Việc bố trí này bảo đảm được tính kế thừa, lựa chọn những đại biểu HĐND chuyên trách từ nguồn công chức có nhiều kinh nghiệm và thời gian hoạt động tham mưu, phục vụ cho các Ban HĐND; vừa bố trí nhân sự, ổn định tâm lý cho những công chức đã là Trưởng, Phó trưởng các phòng phục vụ các Ban của HĐND trước kia.

Biên chế công chức của Văn phòng HĐND cấp tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động do HĐND quyết định và Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao trong tổng biên chế công chức của địa phương được cơ quan có thẩm quyền giao. Trung bình mỗi địa phương có khoảng từ 20 - 30 biên chế và 3 - 5 nhân viên hợp đồng. Điểm đáng lưu ý, số biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh chưa căn cứ vào các điều kiện cụ thể của HĐND tỉnh mà phụ thuộc vào hai yếu tố: Số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trước kia khi thực hiện theo Nghị quyết 545; tổng số biên chế và đề án việc làm của địa phương. Như vậy, biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh chưa được căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND và cơ cấu tổ chức của HĐND cấp tỉnh.

Một cuộc họp triển khai công tác của Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Trị

Ảnh: Kiều Oanh 

Không tương xứng, thiếu nhân sự

Điều 7, Nghị định số 48 quy định Văn phòng HĐND cấp tỉnh thực hiện theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đây được coi là điểm mới, khắc phục những hạn chế về chế độ làm việc theo chế độ thủ trưởng được quy định tại Nghị quyết 545. Chế độ làm việc này xuất phát từ tính đặc thù của Văn phòng HĐND là cơ quan tham mưu, giúp việc cho nhiều chủ thể. Một chuyên viên của Văn phòng HĐND chịu sự chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng HĐND cấp tỉnh, lãnh đạo phòng và đặc biệt là sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Thường trực, lãnh đạo các Ban của HĐND. Để thực hiện được chế độ làm việc này, cần có sự chỉ đạo linh hoạt, phối hợp công tác giữa Thường trực, các Ban của HĐND và lãnh đạo Văn phòng HĐND. Khi chuyên viên được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc các Ban HĐND thì có trách nhiệm dự thảo văn bản theo yêu cầu của Ban và trực tiếp trình các Ban HĐND ký ban hành, đồng thời có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo Văn phòng và lãnh đạo phòng phụ trách.

Tuy được nâng cao về vị trí pháp lý bằng một văn bản pháp luật quy định về bộ máy tham giúp việc riêng của HĐND nhưng cơ cấu của cơ quan tham mưu, phục vụ HĐND cấp tỉnh không có sự tương thích với vị trí là một cơ quan chuyên môn tương đương cấp sở, chưa bảo đảm đủ nhân sự để tham mưu, phục vụ cho HĐND đạt hiệu quả cao nhất và chưa có sự tương thích với các quy định về đổi mới tổ chức, hoạt động của HĐND. Do vậy, việc nghiên cứu những vấn đề còn tồn tại trong tổ chức của bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND cần được cân nhắc trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định các nội dung về bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND trong Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.

HOÀNG LAN