Bỏ ngỏ khâu tham vấn cộng đồng dân cư

- Thứ Bảy, 22/06/2013, 08:33 - Chia sẻ
Một trong những khâu quan trọng của việc lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư tại khu vực dự án. Thế nhưng, hoạt động này còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả.

Thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và bảo đảm thực thi báo cáo ĐTM đã có quy định đảm bảo cho cộng đồng dân cư quyền được tham gia ý kiến, quyền được lắng nghe ý kiến, đặc biệt, các ý kiến về không đồng ý triển khai dự án hoặc các biện pháp bảo vệ môi trường phải được nêu trong các báo cáo ĐTM. Thế nhưng, trên thực tiễn việc các chủ dự án tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức, đối phó là chủ yếu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Môi trường và Phát triển bền vững VESDI Lê Thạc Cán, hiện nay khâu tham vấn cộng đồng mới chỉ ở trong văn bản dưới luật về ĐTM mà chưa được luật hóa nên vai trò và sự tham gia của người dân cũng như các tổ chức, cơ quan đoàn thể xã hội chưa được quan tâm triệt để. Mặc dù Nghị định 29/2011/NĐ-CP có quy định việc tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư thông qua hoạt động đối thoại giữa chủ đầu tư và đại diện cộng đồng dân cư, các tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án song hoạt động đối thoại này có được tổ chức hay không phụ thuộc vào việc nhìn nhận “tính cần thiết hay không” của UBND cấp xã. Các quy định về quy trình, thủ tục cũng như các bước tiến hành công tác tham vấn cộng đồng chưa rõ ràng, chi tiết nên nhiều chủ dự án tiến hành tùy theo cách hiểu của riêng mình, chưa thực hiện tham vấn đầy đủ cộng đồng dân cư mà dự án tác động đến. Điều đáng nói là “tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án” được quy định tại Điều 14 Nghị định 29/2011/NĐ-CP bao gồm những đối tượng nào cũng chưa minh bạch khiến cho “chủ dự án khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ tham vấn và dẫn tới nhiều báo cáo được làm rất hình thức, qua loa” – Ts Nguyên Văn Phương, Giảng viên ĐH Luật Hà Nội nói.

Một trong những minh chứng cho hiện tượng này là việc cấp phép ồ ạt cho các dự án xây dựng sân golf. Tình trạng xung đột xảy ra giữa các chủ dự án và cộng đồng địa phương do tranh chấp quyền sở hữu, tiếp cận, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước chứng tỏ nhiều dự án không thực hiện ĐTM một cách nghiêm túc và chất lượng. Rõ ràng, “nếu không bắt buộc phải tham vấn cộng đồng dân cư khi lập báo cáo ĐTM thì chẳng chủ dự án nào làm cả vì vậy họ làm chỉ để cho có mà thôi. Ngay cả việc lấy ý kiến của UBND cấp xã cũng chủ yếu là làm văn bản sẵn rồi mang cho họ ký” - Ts Nguyễn Khắc Kinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá ĐTM cho biết.

Đối với một dự án cụ thể, hoạt động tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư thường không xuyên suốt mà có sự phân khúc rõ rệt. Nếu như ở giai đoạn lập báo cáo ĐTM, phần lớn các chủ dự án, cơ quan chức năng có tham vấn ý kiến cộng đồng nhưng thực tế hoạt động này chỉ mang tính hình thức, hầu như chưa có dự án nào tiến hành tham vấn nhằm khai thác kiến thức bản địa trong khi đây lại là điểm còn yếu ở đa số báo cáo. Điều đáng nói là giai đoạn thẩm định và hậu thẩm định bảo đảm cho việc đưa báo cáo vào thực thi thì vai trò của cộng đồng lại bị triệt tiêu. “Nếu như ở những nước tiên tiến, tại giai đoạn hậu báo cáo, vai trò của cộng đồng được phát huy hiệu quả nhất trong quá trình giám sát hoạt động dự án thì ở nước ta dấu ấn của cộng đồng trong khâu này khá mờ nhạt” - một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, cũng không ít chuyên gia băn khoăn đặt câu hỏi: nếu tham vấn ý kiến được chủ đầu tư thực hiện bài bản thì cộng đồng dân cư có khả năng xem xét và đánh giá báo cáo ĐTM hay không? Bởi lẽ, lập báo cáo ĐTM là hoạt động có tính chuyên môn cao và với nhận thức của cộng đồng dân cư thì khó có thể đánh giá được hết nội dung báo cáo. Thực tế, quy định hiện hành chỉ mới xác định thủ tục, trình tự lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, không có bất kỳ cơ chế nào để hỗ trợ về chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức và khả năng của cộng đồng trong việc xem xét các nội dung của báo cáo ĐTM. Không được hỗ trợ về chuyên môn, cộng đồng dân cư sẽ gặp khó khăn khi đưa ra ý kiến của mình về các dự án triển khai tại địa bàn. Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, các ý kiến được đưa ra không xác đáng hoặc cản trở dự án đã có các phương án bảo vệ môi trường phù hợp.

“Điều đó đòi hỏi khi tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư, phải có luật sư hiểu biết về ĐTM, thực sự có tiếng nói để đại diện cho cộng đồng dân cư đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó cũng cần cơ chế hỗ trợ về chuyên môn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về ĐTM” - Ts Vũ Quang, ĐH Bách Khoa Hà Nội khuyến nghị.

Thảo Mộc