Bỏ phố về quê

- Thứ Tư, 14/07/2021, 05:25 - Chia sẻ
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lao động ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã  chọn cách di chuyển vào các tỉnh miền Nam để sinh sống, làm ăn. Bởi tiền công cho các công việc ở các khu công nghiệp và trong lĩnh vực sản xuất tại các khu đô thị thường cao gấp vài lần các công việc nông nghiệp. Thế nhưng dịch bệnh dường như đã thay đổi tất cả. Từ quê ra phố, người lao động lại rời phố về quê.

Về quê hay ở lại là câu hỏi mà nhiều lao động mất việc trong mùa dịch Covid-19 phải lựa chọn để tiếp tục cuộc sống. Chị Vũ Thị Hà (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm công nhân cho một công ty tại TP. Dĩ An, Bình Dương đã được 6 năm. Với chị, dịch Covid-19 ập đến như một cuộc khủng hoảng, ở lại thì không biết dựa vào đâu để kiếm sống nuôi gia đình, nhưng về quê cũng không biết làm gì để kiếm sống. Dù lựa chọn cách nào thì cũng là bất đắc dĩ, bởi khi đã cất bước rời quê ra phố kiếm việc, gần như họ đã không còn đường quay về, hoặc ngược lại.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II.2021. Riêng quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm lao động này thường có đặc điểm là không có hợp đồng lao động, việc làm bấp bênh và thiếu ổn định, thu nhập thấp. Việc mất việc làm do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc mất thu nhập mà không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mới đây, Khánh Hòa đã phải 2 lần điều động xe ô tô hỗ trợ gần 200 người trở về Quảng Ngãi. Đây đều là những lao động nghèo, không có việc làm, không có tiền mua thức ăn, không có điều kiện để bám trụ lại đô thị, các khu công nghệp. Nhưng do không tìm được phương tiện nào khác trong thời điểm dịch bùng phát, họ đã dự định đi bộ để về quê. Và thực tế, một nhóm gồm 47 người đã đi bộ được 50km, trong đó có tới 1/3 là phụ nữ, trước khi được cơ quan chức năng phát hiện và hỗ trợ đưa về đến nhà. Tuy nhiên, những cuộc “hành hương” tự phát này cũng để lại nhiều suy nghĩ.

Dẫu biết rằng, việc bỏ phố về quê là bất đắc dĩ trong bối cảnh không thể bám trụ nổi ở thành phố, rất đáng được chia sẻ và cảm thông. Nhưng rõ ràng, sự di chuyển ấy cũng tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo chuyên gia y tế, di tản khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp không những gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng ngừa mà còn khiến người dân dễ mắc hơn. Thời điểm chúng ta cần “ở đâu yên đấy”, nhất là ở các vùng dịch bùng phát, đang bị giãn cách xã hội.

Khi đang phải căng sức để chống dịch, sẽ rất khó để các địa phương liên tục bị động, và chạy theo hỗ trợ những cuộc “hành hương” tự phát của người lao động. Và cũng không phải ngẫu nhiên, tại nhiều địa phương trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục động viên và đề nghị người lao động không về quê trong thời điểm này để tránh dịch lây lan. Nhưng nếu như trong những ngày sắp tới, nhiều địa phương sẽ tiếp tục xuất hiện những nhóm lao động tự phát rời nơi làm việc để về quê? Điều này có gây khó khăn và làm nhiễu loạn cho công tác quản lý cư dân trong dịch?

Hơn lúc nào hết, ngay lúc này đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức…) rất cần sự hỗ trợ, tìm kiếm việc làm phù hợp; triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ tới các đối tượng cần có sự công bằng, minh bạch bảo đảm đúng người đúng việc, qua đó giải quyết những khó khăn trước mắt cho đối tượng mất việc làm. Ngoài ra, cần có sự chung tay, phối hợp của các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân, các mô hình xã hội hóa hỗ trợ cho những người lao động tha hương, để từ đó có thể giúp họ vững tâm không vội vàng bỏ phố về quê, hoặc chí ít là di chuyển một cách an toàn và tuân thủ mọi quy định cần thiết trong mùa dịch, bao gồm nguyên tắc 5K.

Duy Anh