Bảo đảm chuỗi cung ứng khi thực hiện giãn cách xã hội

Bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 16:24 - Chia sẻ
Trước thực trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy do việc kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau, đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16. Điều này sẽ góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh.
Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do nhiều địa phương áp dụng máy móc biện pháp chống dịch. Nguồn ITN
Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do nhiều địa phương áp dụng máy móc biện pháp chống dịch
Nguồn PLO

“Sức khỏe” lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đến nay, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội - đầu tàu kinh tế cả nước khiến nền kinh tế có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và suy giảm kinh tế.

Đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 16+, mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng ăn và nghỉ không được thiết kế từ đầu. Nhiều lao động không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động.

Thêm vào đó, biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Cụ thể: Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy cung lao động và nguyên vật liệu; chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển; chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, chi phí đáp ứng điều kiện sản xuất quá cao.

Điều này tác động trực tiếp lên tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Số liệu phát triển công nghiệp tháng 8 cho thấy đã giảm 4,2% so với tháng 7 và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, kéo lùi thành tựu từ 8,36% xuống còn 5,6%. Ngành nông nghiệp suy giảm 2%, trong đó phía Nam giảm hơn 5,6%, chăn nuôi giảm 3,8%. Đối với ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và tiêu dùng giảm 4,7% (riêng tháng 8 giảm 33,7%  so với cùng kỳ).

Về xuất nhập khẩu, trong tháng 8 dù giảm 5,8% nhưng tính chung 8 tháng qua vẫn tăng trên 20%. Tuy nhiên, nhập siêu trên 3,71 tỷ USD. Riêng vận tải hành khách tháng 8 giảm 35,9% đến 43%. Tính chung 8 tháng, vận tải hành khách giảm 75,9%, hàng hóa giảm 6,7%.

Đáng lưu ý, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 đã giảm còn 40,2 điểm, thấp hơn 45,1 điểm của tháng 7. Điều này cho thấy “sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4.2020. Đến nay, các điều kiện kinh doanh đã giảm 3 tháng liên tiếp.

“Nguy cơ 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 đã làm đảo chiều một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng và có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng, gây tổn hại uy tín về khu vực sản xuất an toàn của Việt Nam”, đại diện trường Đại học Kinh tế Quốc dân bình luận.

Quản lý chặt lái xe trong quá trình di chuyển để phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn ITN
Quản lý chặt lái xe trong quá trình di chuyển để phòng, chống dịch Covid-19
Nguồn ITN

Địa phương phải tổ chức ngay vùng đệm

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy do thực hiện giãn cách xã hội, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Cho phép các doanh nghiệp được sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Chính phủ cũng cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực dịch vụ hậu cần (logistics), nhân lực sản xuất và dân cư toàn xã hội.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Tạ Văn Lợi bổ sung, nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành. Mặt khác, thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.

Ngoài ra, mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; bảo đảm không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về. 

Song song với đó, cần xây dựng ứng dụng điện tử (app) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn. Chính phủ, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch Covid-19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Đan Thanh