Bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng chống dịch Covid - 19

- Thứ Tư, 22/09/2021, 18:19 - Chia sẻ
Chiều 22.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Dự phòng ngân sách tập trung cho phòng, chống dịch

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng. Trong đó, từ cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2021 là 7,42 nghìn tỷ đồng; giảm chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 4,2 nghìn tỷ đồng; kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo nghị quyết của Chính phủ còn dư 3 nghìn tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Các nguồn lực của Trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng.

Ảnh: Lâm Hiển

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, tổng hợp chung nhu cầu Trung ương phải chi để mua vaccine và chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới khoảng 36-40 nghìn tỷ đồng. Do vậy, để bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 14,62 nghìn tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 nêu trên, để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch. Trường hợp kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 được bổ sung nêu trên không sử dụng hết trong năm 2021, được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục thực hiện.

Xác định hiệu quả sử dụng kinh phí chống dịch

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trong các nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm của ngân sách Trung ương thời gian qua thì số còn dư từ gói hỗ trợ sau khi thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ (khoảng 3 nghìn tỷ đồng) không phải là nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021. Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP thì đây là số tiền trong gói cứu trợ đã được ban hành để xử lý tình huống cấp bách. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ chỉ đạo rà soát thận trọng để bảo đảm tính chính xác của số kinh phí còn dư từ gói hỗ trợ, tránh tình trạng thừa - thiếu, phải báo cáo nhiều lần (theo Tờ trình thì chỉ còn dư khoảng 3 nghìn tỷ đồng). Song, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đồng ý bổ sung số tiền còn dư vào tổng nguồn cắt giảm ngân sách Trung ương năm 2021 để phục vụ phòng, chống dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra
Ảnh: Lâm Hiển

Đánh giá chung về việc sử dụng nguồn kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chung của ngân sách Trung ương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần báo cáo rõ, đối với nguồn lực dự kiến được phân bổ nêu trên thì mức độ đáp ứng; tác động, hiệu quả; khả năng phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh đối với các đối tượng được phân bổ tại thời điểm hiện nay ở mức độ nào nhằm bảo đảm đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực sau này.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế cho thấy, mức độ hỗ trợ đối với những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tính toán, có phương án bố trí nguồn hợp lý, công bằng, kịp thời để bảo đảm động viên những người đã và đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Qua thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung nguồn lực từ ngân sách Trung ương số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 như Chính phủ trình; giao Chính phủ xử lý nguồn lực dự phòng này để ưu tiên chống dịch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước và nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Đồng thời Chính phủ bảo đảm việc thu hồi, cắt giảm tiết kiệm nguồn kinh phí theo đúng tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, chi thường xuyên thu hồi chi chưa cần thiết hoặc chậm triển khai...

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ khắc phục việc dự báo không sát dẫn đến dư tiền ngân sách không sử dụng hết, báo cáo chậm các nội dung cần xin ý kiến. Đồng thời bám sát diễn biến thực tế để điều hành theo thẩm quyền hoặc xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, bảo đảm tăng thêm nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa cho công tác phòng, chống dịch và duy trì, khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, bảo đảm chế độ, chính sách cho những người tham gia phòng, chống dịch, nhất là những người ở tuyến đầu.

Lê Bình