Bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Thứ Hai, 08/11/2021, 12:23 - Chia sẻ
Đây là kiến nghị được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận sáng nay của Quốc hội, bởi đại dịch Covid - 19 đã khiến cho đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số càng thêm khó khăn.

Chú trọng vùng trung du và miền núi phía Bắc

Là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhưng đến nay, vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng trũng về phát triển kinh tế - xã hội. Nêu vấn đề này, ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho biết, đời sống Nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của vùng là 12,8%, cao nhất cả nước, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng rất cao, các tỉnh miền núi Tây Bắc là 97,85%; các tỉnh miền núi Đông Bắc 81,96%. Các xã còn khó khăn và đặc biệt khó khăn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ xã còn khó khăn là 53,8 %, xã đặc biệt khó khăn là 64,41 %.Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 38,18%, thấp nhất trong cả nước.

ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, vùng trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, là vùng phên giậu của Tổ quốc, là an toàn khu, cái nôi của cách mạng Việt Nam. Do đó, đại biểu tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc, tăng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khu vực này, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, kể cả vốn vay nước ngoài. Trong đó, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa, kết nối mạng giao thông khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm phải coi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng, trong đó ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện tuyến cao tốc quốc lộ 3 kết nối thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng; Tuyến quốc lộ 1B kết nối tỉnh Lạng Sơn tỉnh Thái Nguyên.

Tăng cường áp dụng công nghệ nhằm nâng cao giá trị nông nghiệp

Các đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Từ thực tế ở Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, chỉ tiêu về giảm nghèo vẫn là một thách thức rất lớn. Do vậy, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những vùng biên giới, hải đảo, nơi phên giậu của Tổ quốc rất cần có những chính sách đặc thù, ưu tiên đồng bộ hơn. Quốc hội, Chính phủ cần tập cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa thành thị và miền núi, đồng thời cũng giúp tăng cường giữ vững được thế trận quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh quốc phòng địa bàn chiến lược

Bộ Chính trị, với Chính phủ nên quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo ra cú hích đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. 

Liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị, cần lựa chọn những dự án cấp bách để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như dự án giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các đại biểu cũng đề nghị các Bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp và người dân các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chế biến sâu các sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, bơ, mắc ca, sầu riêng, hạt điều… làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá như những năm vừa qua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, trên tinh thần làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel gần đây. Cần xúc tiến chương trình làm việc với Chính phủ Israel, để việc nhận chuyển giao công nghệ, tưới giọt đại trà quy mô công nghiệp cho các tỉnh Tây Nguyên như một giải pháp tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng Tây Nguyên.

Quang Khánh