Bổ sung thể chế thu hồi đất để phát triển kinh tế tư nhân

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 06:08 - Chia sẻ
Ngày 25.11, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý về dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ “Quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.
	ThS. Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo.
ThS. Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Ths. Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm đề tài, nêu rõ: Qua hơn 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật về đất đai đã được ban hành đồng bộ, kịp thời, cụ thể hóa cơ bản các chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi dần đi vào nền nếp; bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan…

Tuy vậy, đến nay, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi tại các địa phương luôn là vấn đề phức tạp, gây nhiều bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, thị trường bất động sản có nhiều biến động mạnh. Vấn đề khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài, xung đột lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng đất vẫn tồn tại.

Theo kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh từ khi Luật Đất đai có hiệu lực (từ năm 2014 đến 2020), vẫn còn tình trạng thu hồi đất thái quá để trục lợi, chưa có cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Tiến độ thực thi còn chậm ở nhiều dự án, kể cả dự án cấp quốc gia; còn tình trạng để hoang hóa sau khi thu hồi đất. Quỹ đất để bồi thường không nhiều. Tại Quảng Ninh, tỷ lệ bồi thường bằng đất chỉ đạt 0,7%. 73,4 - 93,9% hộ dân cho rằng mức bồi thường thấp hoặc rất thấp so với giá thị trường. Trên 80% hộ dân cho rằng thời gian thực hiện chi trả bồi thường chậm…

Lý giải nguyên nhân, theo nhóm nghiên cứu, trước tiên do sự ổn định của khuôn khổ pháp luật về thu hồi và bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất chưa tốt; một số quy định chưa rõ ràng; một số vấn đề mới phát sinh nên chưa được thể chế hóa trong luật. Bên cạnh đó, trách nhiệm và sự phối hợp trong quá trình thực hiện của một số cán bộ, đơn vị vẫn còn yếu và thiếu; cách thức tổ chức thực thi chưa linh hoạt, sáng tạo; nguồn nhân lực khó bố trí đủ và kịp thời…

Từ thực tế hiện nay, nhóm nghiên cứu đề xuất bốn nhóm giải pháp chính để hoàn thiện quy định pháp luật và tổ chức thực thi về thu hồi, bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất.

Một là, tăng tính ổn định của khuôn khổ pháp luật có liên quan. Theo đó, tách khung pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước về thu hồi và bồi thường thu hồi đất ra khỏi Luật Đất đai; nâng cao chất lượng các quy phạm pháp luật ngay trong văn bản luật về thu hồi và bồi thường khi thu hồi đất.

Hai là, hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, trong đó làm rõ khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung thể chế thu hồi đất để phát triển kinh tế tư nhân; ấn định rõ thẩm quyền thu hồi đất trong trường hợp khu vực thu hồi có nhiều loại đất khác nhau.

Ba là, hoàn thiện các quy định pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, bao gồm tách bạch để hợp nhất một phần của hình thức hỗ trợ vào với hình thức bồi thường khi thu hồi đất; sử dụng đa dạng hơn các hình thức bồi thường; làm rõ cách thức lựa chọn phương án bồi thường trong trường hợp khi họp dân đề xuất nhiều phương án khác nhau…

Bốn là, hoàn thiện một số vấn đề trong khâu tổ chức thực thi các quy định liên quan. Theo đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ và người dân có đất bị thu hồi; bố trí đủ nguồn lực thực hiện bồi thường kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều đồng tình với dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Đề tài, đồng thời bày tỏ tin tưởng đây sẽ là một căn cứ khoa học đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đ. Thanh