Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bố trí 30.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

- Thứ Ba, 13/07/2021, 17:27 - Chia sẻ
Chiều 13.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình) được đề xuất thực hiện nhằm tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới được Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra.

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn nâng cao và kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình bày Tờ trình của Chính phủ
Ảnh: Hồ Long

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua; nhận thức người dân về lợi ích của chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia...

Nếu tăng thu sẽ ưu tiên bố trí 

Về nguồn vốn ngân sách, Chính phủ xác định, tổng vốn ngân sách Trung ương của Chương trình sẽ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia là 39.632 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Trung ương, Chính phủ dự kiến, vốn ngân sách địa phương khoảng 302.000 tỷ đồng (chiếm 11,6%); vốn lồng ghép từ hai chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 224.080 tỷ đồng (chiếm 8,6%); vốn tín dụng khoảng 1.790.000 tỷ đồng (chiếm 68,8%); vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khá khoảng 115.800 tỷ đồng (chiếm 4,5%). Và, huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư (tiền bạc, ngày công, đóng góp vật liệu xây dựng…) khoảng 130.800 tỷ đồng (chiếm 5%).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Ảnh: Hồ Long

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong phiên họp sáng nay, khi cho ý kiến về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội dành 30.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện Chương trình, vốn sự nghiệp là 9.632 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành cần tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương và các nguồn lực, nếu xuất hiện nguồn tăng thu và các nguồn khác thì ưu tiên bố trí bởi đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, số vốn 30.000 tỷ đồng so với quy mô và suất đầu tư của chương trình như vậy là tương đối thấp, còn hạn chế.

Đối với vốn ngân sách địa phương huy động, nhiều ý kiến cho rằng, phương án như Chính phủ đề xuất là rất lớn. Do vậy, trong điều kiện cân đối ngân sách giai đoạn tới có nhiều thách thức, Chính phủ, các địa phương cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện chương trình này. Về các nguồn vốn khác, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cân nhắc giải pháp huy động hợp lý hơn, phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, cũng như cân nhắc tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. 

Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần lưu ý ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về việc tích hợp ba chương trình, tổng hợp mục tiêu chung. Ngoài ra, cần rà soát, cân nhắc các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, bảo đảm khả thi, hiệu quả; nghiên cứu bổ sung các mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình.

Thanh Hải