TP Hồ Chí Minh:

Bố trí giờ thu gom, vận chuyển rác hợp lý

- Thứ Ba, 16/10/2018, 07:21 - Chia sẻ
Nhằm bảo đảm chất lượng kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi vận chuyển rác, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo triển khai kế hoạch công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Trong đó, vấn đề bố trí hợp lý giờ thu gom và vận chuyển rác để bảo đảm vệ sinh và văn minh đô thị được đặc biệt lưu tâm.

Dần xóa các điểm thu gom rác lộ thiên

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.000 điểm tập kết rác, chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm, đa số là trạm hở, không có hệ thống xử lý môi trường.

Mặc dù giữa năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã rà soát các điểm tập kết rác và phối hợp với các quận, huyện nhằm điều chỉnh, lựa chọn vị trí phù hợp, kín đáo để giải quyết các điểm tập kết rác lộ thiên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều điểm tập kết rác vẫn nằm dọc đường, ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị; thậm chí còn phát sinh các điểm lấy rác ở khu vực công viên, trước công trình đang xây dựng hoặc những vị trí mặt tiền đường trống nhà dân.

Các điểm tập kết rác lộ thiên gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân 
Nguồn: ITN

Đơn cử như đoạn đường Hùng Vương (Quận 5) từ Công viên Âu Lạc đến Công viên Hòa Bình có 2 điểm tập kết rác. Hàng ngày có hàng chục xe kéo chứa đầy rác được tập kết tại đây để chờ xe ép rác tới chở đi. Tại gần Công viên Âu Lạc, một phần lòng đường và vỉa hè bị nước rác ngấm ra, bốc mùi hôi khó chịu, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị ảnh hưởng. Hay đoạn đường Cao Thắng nối dài (Quận 10), người dân cũng phải nín thở vì hàng chục xe lôi, xe ba gác gom rác ở khu vực xung quanh tập trung về đây.

Tương tự, phía sau chợ Xóm Chiếu (đường Lê Văn Linh, Quận 4), ngay từ sáng, giữa lúc chợ sầm uất nhất đã có hàng chục xe rác tập kết tại đây. Khu vực này phát sinh chợ tự phát ăn theo chợ Xóm Chiếu nên rất nhiều hàng thịt cá bày bán bên cạnh xe rác. Ngoài ra, trước cổng nhiều trường học như Trường THCS Đức Trí (Quận 5), Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo và THCS Nguyễn Du (Quận 1), Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Quận Bình Thạnh)… cứ tầm học sinh tan học lại thấy các xe rác cao ngất kéo về tập kết.

Bố trí hợp lý giờ thu gom rác

 Thực tế, việc thu gom rác vào ban đêm đã được triển khai tại phường An Lạc A, quận Bình Tân từ đầu năm 2018. Cụ thể, các tổ thu gom và vận chuyển rác bắt đầu làm việc từ 20 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Phường cũng quy định và thông báo rõ giờ gom rác ở từng tuyến đường để người dân chủ động đem rác ra ngoài. Nhờ vậy mà ban ngày, đường phố trên địa bàn phường sạch hơn, không bị các xe đẩy, xe ép rác chiếm chỗ gây kẹt xe hoặc phát tán mùi hôi.

Để xử lý khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, UBND TP Hồ Chí Minh phân cấp cho UBND 24 quận, huyện quản lý và thực hiện tổ chức thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn. Song, quy trình, phương tiện thu gom, vận chuyển lại “mỗi nơi một kiểu”; việc thu gom rác từ khu dân cư, phần lớn do các đường dây rác dân lập đảm trách, đưa về điểm tập kết; còn các công ty dịch vụ công ích quận, huyện lo vận chuyển từ điểm tập kết đến bãi rác xử lý tập trung. Tuy nhiên, chính việc “cắt khúc” quản lý này phát sinh ra nhiều bất cập. 2 khâu này thiếu phối hợp chặt chẽ và không khớp nhau nên rác thải bị ứ đọng thời gian dài trên đường phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ, trong quá trình hoạt động, lực lượng gom rác dân lập thường tập trung đổ rác tại trạm trung chuyển rác cùng một thời điểm, đã làm phát sinh mùi hôi khó chịu, gây mất vệ sinh đường phố. Phải đến năm 2025, trạm trung chuyển rác này mới có thể được giải tỏa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải tiếp tục sống chung với rác.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, giảm điểm tập kết rác lộ thiên, hạn chế mùi hôi phát tán vào môi trường là câu chuyện dài, cần phải có lộ trình. Bởi thực tế hiện nay các đơn vị thu gom rác chủ yếu là dân lập, không có quy định cụ thể giờ thu gom, vận chuyển rác. Có nơi lấy rác vào ban đêm, có nơi vào buổi sáng, cũng có nơi chiều tối mới lấy rác. Việc thu gom rác không theo giờ cố định, không phân bổ giờ khoa học sẽ làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ lập được các điểm tập kết rác kín, việc cần giải quyết ngay là bố trí hợp lý giờ thu gom và vận chuyển rác. Theo đó, nên quy định khung giờ thu gom rác ở từng khu dân cư và giờ vận chuyển rác không nằm trong giờ hành chính. Mọi hoạt động thu gom và vận chuyển diễn ra vào ban đêm, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến môi trường chung. Về lâu dài, dù TP Hồ Chí Minh có chuẩn hóa phương tiện thu gom rác thì việc quy hoạch, sắp xếp giờ thu gom rác trong các khu dân cư và ép rác, vận chuyển rác về bãi vẫn cần được bố trí hợp lý. Qua đó, hạn chế cảnh rác thải chất đống trên đường phố, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến môi trường, giao thông.

Lan Chi