Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại Tuyên Quang

Bố trí nguồn lực, kiện toàn đội ngũ

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 09:06 - Chia sẻ
Những năm vừa qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó tỷ lệ huy động trẻ em vào học tại các cấp học, ngành học đạt tỷ lệ cao; trên địa bàn không có vụ việc nổi cộm, bức xúc liên quan tới trẻ em... Tuy nhiên, thực tế lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Nguồn lực đầu tư cho trẻ em hạn chế
Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, 6 tháng đầu năm 2021 số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh là 260.564 trẻ (chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh), trong đó số trẻ em nam là 118.373 trẻ, chiếm 45,43%; số trẻ em nữ là 108.917 trẻ, chiếm 54,57%; dân tộc Kinh 95.304 trẻ, chiếm 36,58%; dân tộc khác 131.986 trẻ, chiếm 63,42%. Số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 43.000 em (chiếm 18,92% dân số trẻ em). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.741 em (chiếm 1,21% dân số trẻ em).   

Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch về công tác trẻ em; thành lập nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em tỉnh Tuyên Quang. Công tác truyền thông về quyền trẻ em được tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, trong đó chú trọng các nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em… đa dạng hóa hình thức và tài liệu truyền thông, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. 

Tuyên Quang đã thực hiện kịp thời chế độ, chính sách của Nhà nước với trẻ em, nhưng nguồn lực đầu tư của tỉnh cho trẻ em còn hạn chế

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Việt Hùng cho biết, tỉnh thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như: trợ cấp xã hội hằng tháng, thăm hỏi, tặng quà, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp các ngày Lễ, Tết Nguyên đán, Tết thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, hỗ trợ đột xuất. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến về nhận thức và chỉ đạo điều hành của các cấp.

Hiện nay, trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng 135, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ huy động trẻ em vào học tại các cấp học, ngành học đạt tỷ lệ cao. Công tác xã hội hóa về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được nâng lên. Tình hình và diễn biến về trẻ em trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn, không có tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm, không có các vụ việc nổi cộm, bức xúc liên quan đến trẻ em.

Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nguồn lực đầu tư của tỉnh cho trẻ em còn hạn chế. Theo thống kê, từ năm 2015 - 2021, tổng kinh phí (thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, thực hiện bao gồm cả kinh phí hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh) dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là 33,810 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước: 12,615 tỷ đồng; huy động cộng đồng (Ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh bằng hiện vật và thông qua các chương trình): 21,195 tỷ đồng. Đặc biệt cơ sở vật chất dành cho trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho các em, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hệ thống bảo vệ trẻ em nói chung và mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em nói riêng chưa phát triển. 

Thiếu đội ngũ làm công tác trẻ em

Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay gồm 146 người (cấp tỉnh 1 người; cấp huyện 7 người; cấp xã, phường, thị trấn 138 người), 100% là kiêm nhiệm. Công tác thông tin, báo cáo của một số huyện, thành phố, một số ngành chưa kịp thời; việc quản lý, nắm bắt thực trạng, số liệu về trẻ em, các hoạt động liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa được thường xuyên. 

Ông Nguyễn Việt Hùng thông tin thêm, sau khi Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giải thể, tỉnh chưa bố trí được đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, bản, tổ dân phố (chủ yếu do trưởng thôn, tổ trưởng tổ nhân dân hoặc cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình kiêm nhiệm). Việc hỗ trợ cho đội ngũ này hạn chế. 

Cần kiện toàn đội ngũ làm công tác trẻ em - Nguồn: baotintuc.vn
Cần kiện toàn đội ngũ làm công tác trẻ em

Tỉnh cũng chưa có kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên thu thập thông tin vào "Sổ theo dõi trẻ em trong gia đình". Trong khi một đối tượng trẻ em có rất nhiều thông tin được yêu cầu thu thập, số đối tượng được thu thập thông tin rất đông, địa bàn thu thập rộng, đi lại khó khăn… Hiện cộng tác viên tham gia thu thập thông tin chủ yếu là trưởng thôn, dẫn đến việc ghi chép các nội dung thông tin còn sơ sài, chưa đầy đủ, chính xác.

Với lực lượng mỏng và kiêm nhiệm như vậy, nhiều chuyên gia lo ngại chất lượng chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là khi số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt lên tới gần 50.000 trẻ. Điều này đòi hỏi tỉnh quan tâm bố trí đủ ngân sách cho hoạt động của ngành, bảo đảm chương trình, kế hoạch cho ông tác chăm sóc bảo vệ trẻ em; đồng thời quan tâm, có phương án kiện toàn đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em ở thôn, bản, khu phố để thường xuyên cập nhật, nắm tình hình trẻ em và triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thơi gian tới, UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng; đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh còn khó khăn về kinh tế. UBND tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, đào tạo lớp giảng viên nguồn, trao đổi kinh nghiệm để các địa phương học tập nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Ngọc Phương