Phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử đối với cử tri

Bố trí Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:43 - Chia sẻ
Trách nhiệm của đại biểu HĐND trước hết phải nói đến vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND, đặc biệt là những đại biểu chuyên trách. Đảng lãnh đạo HĐND thông qua việc cử cán bộ đảm nhiệm các chức vụ của HĐND, quan tâm tăng cường chất lượng các đại biểu HĐND chuyên trách; nghiên cứu để có thể bố trí được một vài Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách cho nhiệm kỳ tới. Được như vậy, hoạt động của đại biểu HĐND càng có điều kiện tăng cường trách nhiệm hơn đối với cử tri và Nhân dân.

Trách nhiệm đối với cử tri và Nhân dân

Với vai trò cơ quan đại diện Nhân dân, HĐND gồm các đại biểu do cử tri lựa chọn bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Cử tri thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng nhất thay mặt mình hoạt động ở cơ quan quyền lực nhà nước để thực hiện trách nhiệm đối với cử tri và Nhân dân.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình họp bàn về dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 Ảnh: THÙY LINH
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình họp bàn về dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
Ảnh: THÙY LINH

Theo đó, tại kỳ họp, những ý kiến phát biểu đều thể hiện được mong muốn chính đáng của cử tri và Nhân dân; những bức xúc gay cấn tại cơ sở đều được đưa lên nghị trường. Có những vấn đề được đại biểu tranh luận làm sáng tỏ và đi đến thống nhất những chỉ tiêu, giải pháp quan trọng thực hiện. Đặc biệt tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tổ chức phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu đã đưa ý kiến của người dân vào câu hỏi, buộc các Trưởng ngành phải trả lời. Những nội dung trả lời chưa rõ, còn vòng vo, đại biểu HĐND truy vấn đến cùng và yêu cầu có những biện pháp khắc phục. Phiên họp được cử tri, Nhân dân quan tâm theo dõi và có những nhận xét khách quan đối với những đại biểu do chính mình đã lựa chọn bầu cử.

Trong hoạt động giám sát giữa 2 kỳ họp, nổi bật nhiệm kỳ này là hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND. Những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong Nhân dân phải được đại biểu HĐND nắm kỹ và đặt câu hỏi, yêu cầu lãnh đạo các ngành giải trình, làm rõ. Phiên họp được kết thúc bằng kết luận của Thường trực HĐND yêu cầu các ngành liên quan giải quyết, để kịp thời trả lời cho cử tri và Nhân dân. Các Ban của HĐND tăng cường giám sát chuyên đề giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tổ đại biểu và đại biểu HĐND quan tâm hơn giám sát tại cơ sở, nhất là tham gia với các đoàn giám sát cấp trên về làm việc tại đơn vị. Những ý kiến chân tình, thực tế của đại biểu cơ sở sẽ làm cho nội dung báo cáo kết quả giám sát càng chất lượng và có tính thuyết phục cao.

Trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri và Nhân dân thể hiện rất rõ và thiết thực qua việc các cơ quan của HĐND tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Những khiếu nại, kiến nghị của Nhân dân được yêu cầu các ngành liên quan ráo riết giải quyết, làm giảm khiếu nại tố kéo dài lâu ngày ở địa phương. Qua TXCT, đại biểu HĐND không chỉ tiếp thu, ghi nhận thụ động mà phải giải thích, trả lời được nhiều vấn đề cử tri yêu cầu. Qua đó, cử tri càng hiểu và chia sẻ những khó khăn chung, đồng thời càng tin tưởng hơn đại biểu HĐND…

Giới thiệu những người tiêu biểu tham gia ứng cử

Để đại biểu HĐND nâng cao được trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, ngoài những quy định của luật pháp, yếu tố chất lượng đại biểu có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay đang tiến hành các bước chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vấn đề chất lượng đại biểu cần được quan tâm đúng mức trong quá trình hiệp thương, lựa chọn phân bổ cơ cấu, thành phần ở các địa phương, đơn vị.

Theo quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019: Nhìn chung, số lượng đại biểu HĐND các cấp có giảm, càng tăng thêm khó khăn giữa cơ cấu và chất lượng. Bởi thông thường để bảo đảm cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu. Nhưng cơ cấu thể hiện vai trò đại diện của cơ quan dân cử nên cần bảo đảm, như vậy phải tích cực tăng cường chất lượng trong từng nhóm thành phần theo cơ cấu. Điều đáng suy nghĩ ở đây: Không nên để phụ nữ phải “gánh” thêm nhiều cơ cấu: Trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc ít người… sẽ giảm chất lượng đại biểu nữ, dẫn đến giảm chất lượng chung của HĐND.

Trách nhiệm của đại biểu HĐND trước hết phải nói đến vai trò, trách nhiệm của Thường trực, các Ban của HĐND. Trong đó, cần chú trọng đúng mức những đại biểu HĐND chuyên trách. Sau Đại hội, các tổ chức Đảng tiến hành phân công, sắp xếp, bố trí lại cán bộ; lúc này cần quan tâm giới thiệu những người tiêu biểu tham gia ứng cử đại biểu HĐND để HĐND bầu giữ các chức danh ở cơ quan HĐND. Điều đáng chú ý, các chức vụ ở HĐND trong cả nhiệm kỳ khó thay đổi hơn các cơ quan khác! Lãnh đạo HĐND có tiêu chuẩn chung như các cán bộ khác; đồng thời cần có kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử, có uy tín và được sự tín nhiệm cao của cử tri. Đảng lãnh đạo HĐND thông qua việc cử cán bộ đảm nhiệm các chức vụ của HĐND, quan tâm tăng cường chất lượng các đại biểu HĐND chuyên trách. Nghiên cứu để có thể bố trí được một vài Trưởng Ban HĐND hoạt động chuyên trách. Được như vậy, hoạt động của đại biểu HĐND càng có điều kiện tăng cường trách nhiệm hơn đối với cử tri và Nhân dân.

Luật pháp đã giao nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho đại biểu HĐND, nhưng quyền hạn đó thuộc về Nhân dân. Cử tri đã “ủy quyền” cho đại biểu HĐND để thực thi quyền hạn của mình nên có quyền giám sát đại biểu khi thực hiện trách nhiệm, mọi hoạt động của đại biểu HĐND đều phải thực hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Do đó, quá trình chuẩn bị bầu cử, Ủy ban MTTQ và các cơ quan liên quan cần bảo đảm dân chủ, khách quan để chuẩn bị những người có đủ tiêu chuẩn, năng lực và uy tín nhất đưa vào danh sách ứng cử viên. Qua đó, bầu được những đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới đủ phẩm chất, trình độ để thực hiện trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

TRẦN QUẢNG