Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy:

Bộ trưởng Giáo dục phải có tầm nhìn chiến lược

- Thứ Bảy, 19/03/2016, 08:25 - Chia sẻ
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhưng có lẽ, việc quản lý và điều hành của Bộ Giáo dục - Đào tạo thời gian qua đã khiến dư luận nhân dân băn khoăn và lo lắng. Trăn trở về vấn đề này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc HỒ THỊ THỦY nêu rõ: đổi mới giáo dục là tất yếu nhưng phải là đổi mới căn cơ, bài bản, tuyệt đối không được bịt chỗ này, hổng chỗ kia. Vì thế, tư lệnh ngành giáo dục phải là người bản lĩnh và có tầm nhìn chiến lược…

>> Bộ trưởng nói phải đi đôi với làm

>> Bộ trưởng nông nghiệp phải là người hành động

>> Cần Bộ trưởng Giao thông - Vận tải bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Đừng gây phiền hà cho phụ huynh và học sinh

- 5 năm qua, trên diễn đàn của QH, có thể thấy, bà rất kiên trì theo đuổi các vấn đề về giáo dục. Bây giờ nhìn lại, Bà đã hài lòng với những chuyển biến của ngành này chưa?

 
 
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh  Phúc
Hồ Thị Thủy

Đã có lần tôi chất vấn Bộ trưởng về việc bao giờ ổn định được vấn đề thi cử, Bộ trưởng vẫn chưa trả lời được. Mỗi năm lại ra một quy chế thi khác nhau. Tôi cho rằng, không thể bỏ kỳ thi đại học. Kỳ thi tốt nghiệp thì nên thực hiện ở địa phương để ai cũng có hành trang vào đời. Còn thi đại học giúp đánh giá chính xác nhất kết quả học tập của học sinh thì lại bỏ. Tôi không bằng lòng.

_______

Tôi mong tới đây ai được giới thiệu vào vị trí tư lệnh ngành giáo dục sẽ công bố chương trình hành động cụ thể để cử tri, nhân dân và ĐBQH có thể giám sát được.

- Trước khi làm ĐBQH, tôi từng là Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh nên rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Khi làm ĐBQH, trong đầu tôi lúc nào cũng có suy nghĩ phải nói gì để đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà, nói lên được những băn khoăn, lo lắng và mong muốn của học sinh, phụ huynh. Những ý kiến, đề xuất của tôi về giáo dục cũng đã được QH, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo quan tâm. Nhưng thực sự, đến bây giờ, những trăn trở, những băn khoăn mà cử tri gửi gắm để tôi phát biểu với Bộ, với Chính phủ thì cũng chưa có sự thay đổi rõ nét.

- Cũng khó khi giáo dục là lĩnh vực liên quan đến mọi người, mọi nhà…

- Giáo dục được cả xã hội quan tâm vì mỗi thay đổi trong lĩnh vực này đều tác động rất lớn tới xã hội. Tôi nghĩ rằng, làm bất cứ điều gì nếu nhận được sự đồng thuận của nhân dân thì sẽ thành công, ngược lại, nếu Bộ quản lý đưa ra những chủ trương không hợp lòng dân thì phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt là điều khó tránh khỏi. 5 năm qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra rất nhiều chủ trương đổi mới, nhiều chủ trương có diện tác động rất rộng nhưng chưa có sự thí điểm, hoặc sự kiểm chứng. Ví dụ, trong đổi mới thi cử, khi đưa vấn đề này ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng đây là hình thức tiến bộ, giúp giảm tải, giảm khó khăn cho phụ huynh học sinh. Nhưng thực tế là gì? Không những sự “đổi mới” này không mang lại những kết quả như Bộ mong muốn mà còn tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh, học sinh và dư luận chưa tốt trong xã hội.

Cứ nghĩ lại tình cảnh các bậc phụ huynh phải thuê xe cấp cứu đi nộp hồ sơ đại học cho con, tình cảnh ăn chực nằm chờ nộp hồ sơ vào rồi lại rút hồ sơ ra… của mùa thi đại học, cao đẳng năm 2015 như báo chí, phương tiện truyền thông đã phản ánh thì thử hỏi, dư luận không bức xúc sao được? Chúng ta biện minh thế nào được khi đưa ra một chủ trương gây phiền hà cho dân nhiều đến thế? Vì thế, nói thực, ngay trong chính ĐBQH chúng tôi, mỗi lần Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra đề xuất, sáng kiến mới cũng cảm thấy chưa tin tưởng lắm đâu.

- Cử tri cũng phàn nàn rằng, ngành giáo dục hiện nay đang rơi vào tình trạng mải mê đi giải quyết tình thế mà chưa có chiến lược cụ thể để xử lý triệt để gốc vấn đề. Bà có nghĩ như vậy không?

- Trước hết tôi xin chia sẻ với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận những vấn đề mà ĐBQH và cử tri phản ánh không phải là vấn đề mới của nhiệm kỳ này mà nó đã tồn tại trong nhiều năm qua, đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là người tiếp tục phải giải quyết. Tuy nhiên nhiệm kỳ vừa qua cũng chỉ mới giải quyết được những tình thế tức thời, chưa có chiến lược, bước đi thích hợp nên “lấp chỗ nọ thì hổng chỗ kia”.

Cần một “tư lệnh” điềm tĩnh và bản lĩnh

- Với những gì mà ngành giáo dục đang phải đối mặt thì có lẽ, chiếc ghế tư lệnh ngành này trong nhiệm kỳ tới chắc chắn sẽ rất nóng, thưa bà?

- Đúng vậy. Dù ai ngồi vào vị trí đó thì tôi nghĩ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để giải tỏa cho được sự lo lắng, hoang mang của học sinh, các bậc phụ huynh và thậm chí của cả các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục nữa. Tôi đồng ý và hoàn toàn ủng hộ chủ trương đổi mới giáo dục. Phải đổi mới thì chúng ta mới hội nhập được với thế giới, mới theo kịp sự phát triển của các quốc gia khác. Nhưng tuyệt đối không được có tư tưởng đổi mới là xóa bỏ nền tảng giáo dục từ trước đến nay. Phải có tính kế thừa. Phải xem xét tình hình thực tế hiện nay như thế nào? Vấn đề gì là cốt lõi trong đổi mới giáo dục để có lộ trình phù hợp. Ví dụ, thi cử có phải là điểm cốt lõi của đổi mới giáo dục không? Tôi cho là không phải. Thi cử chỉ là phần ngọn. Cái gốc là đổi mới phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục. Có nâng cao được chất lượng chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục thì mới nâng cao được chất lượng thi cử chứ.

- Bà kỳ vọng gì ở tư lệnh ngành giáo dục tương lai?

- Tôi mong Bộ trưởng mới xây dựng được một chiến lược đổi mới giáo dục căn cơ và toàn diện hơn. Chúng ta muốn có một nền giáo dục như thế nào? Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Tầm nhìn của Bộ trưởng trong lĩnh vực này ra sao? Những câu hỏi này, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải trả lời cho được. Tôi còn nhớ, năm ngoái Báo Đại biểu Nhân dân có một bài báo mà tôi rất thích: Giáo dục không thể là trận đánh vội vàng. Đúng là như vậy. Khi Bộ trưởng đưa ra bất kỳ chủ trương nào thì dứt khoát phải nghiên cứu kỹ càng, phải lường cho hết những khó khăn, những hệ lụy mà nó có thể gây ra cho học sinh, phụ huynh. Có những chủ trương được Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra thời gian qua là đúng, tôi ủng hộ, nhưng cách thức thực hiện đã khiến dư luận xã hội quay lưng. Tôi rất thông cảm với sức nóng của chiếc ghế tư lệnh ngành giáo dục. Nhưng từ kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, có lẽ, ngành giáo dục cần một tư lệnh điềm tĩnh hơn và bản lĩnh hơn, không vì sức ép của dư luận xã hội mà vội vàng xử lý tình huống.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Bình thực hiện