Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em:

Bước đi quan trọng cho trạng thái “bình thường mới”

- Thứ Ba, 26/10/2021, 16:06 - Chia sẻ
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Ts. Kidong Park đã chia sẻ, tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em là 1 trong 3 bước của chiến lược tiêm chủng mở rộng mà WHO khuyến nghị toàn bộ các quốc gia trên thế giới thực hiện, để bảo đảm tiến độ tiêm chủng cho 70% dân số và là cách để giảm nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Còn theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc tiêm chủng cho các học sinh từ 12 - 17 tuổi là một “bước đi” quan trọng để các em có thể cắp sách tới trưởng, góp phần bảo đảm an toàn cho xã hội trong tình hình mới.

Xác định rõ đối tượng tiêm chủng

Ts. Kidong Park chia sẻ, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng Covid-19 còn hạn chế, WHO khuyến nghị sử dụng vaccine một cách có chiến lược và từng bước mở rộng nhóm tiêm chủng.

Cụ thể, bước 1 sẽ tiêm chủng có mục tiêu cho tất cả nhân viên y tế, người cao tuổi và các nhóm nguy cơ cao ở mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia. Bước 2 tiêm chủng rộng rãi cho toàn bộ nhóm tuổi trưởng thành ở mọi quốc gia. Bước 3, tiêm chủng rộng rãi cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới bằng cách giảm lây truyền virus.

Đối với khuyến nghị này, Việt Nam đã làm rất quy củ, thể hiện rõ nhất ở việc Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP (ngày 14.10) về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Ts. Kidong Park cũng thông tin, hiện nay, WHO đã phê duyệt vaccine phòng Covid-19 Pfizer/BioNTech vào Danh sách sử dụng Khẩn cấp (EUL) để sử dụng cho thanh thiếu niên (trẻ em trên 12 tuổi). WHO đang kêu gọi các nhà sản xuất gửi dữ liệu hoàn chỉnh về vaccine phòng Covid-19 cho WHO đánh giá, nhằm tăng cường nguồn cung vaccine cho trẻ em và thanh thiếu niên. Vì thanh thiếu niên và trẻ em mắc bệnh nền cũng có nguy cơ mắc Covid-19 nặng cao hơn, nên nhóm này có thể được đề nghị tiêm chủng.

Tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là điều kiện cần và đủ để học sinh trở lại trường học.
Tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là điều kiện cần và đủ để học sinh trở lại trường học

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, cần ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh THPT trước, bởi nhóm đối tượng này đã có cơ thể phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh cao và biến chứng tương đương với người trên 18 tuổi.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên nên thực hiện tiêm đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền..., còn các trường hợp khác, nên dựa trên nguyện vọng, nhu cầu của gia đình. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu quan điểm, chưa nên tiêm cho lứa tuổi 1 - 3 bởi hiện chưa có sự thống nhất, bằng chứng khoa học một cách rõ ràng và đang còn nghiên cứu.

Chỉ nên cho trẻ tới trường khi đã tiêm chủng

Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu và nhiều đại biểu khác về việc cho trẻ em đi học, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi chưa tiêm phủ được vaccine cho trẻ em thì không nên mở cửa trường mà vẫn duy trì việc học trực tuyến với các cấp.

Với học sinh THPT, sau khi thực hiện tiêm chủng xong có thể mở cửa lại trường để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Với học sinh THCS (cấp 2), tùy theo tình hình, nếu số lượng gia đình được tiêm 60 - 70% thì có thể mở cửa lại toàn bộ. Đối với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến nhiều khó khăn nên sau khi thực hiện tiêm phủ cho các cấp học trên cũng như người trong gia đình thì có thể đi học trực tiếp trở lại.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, Hà Nội sẽ sớm có phương án cụ thể. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã có phương án để bảo đảm việc đưa học sinh quay trở lại trường, song cần tổ chức thực hiện thế nào để an toàn nhất cho các em học sinh khi trở lại trường học mới là điều quan trọng.

Về vấn đề công bố cấp độ dịch, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội hiện chỉ công bố theo cấp độ xã, phường hoặc thậm chí cấp thấp hơn và luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch, thành phố sẽ có biện pháp giãn cách, nới lỏng các dịch vụ, hoạt động kinh tế văn hóa xã hội. Căn cứ vào cấp độ dịch từng địa bàn, thành phố cũng có công bố sớm trong việc bảo đảm hoạt động về nới lỏng những hoạt động văn hóa kinh tế - xã hội, song yếu tố phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn cho người dân vẫn là ưu tiên số 1.

Cũng nói về vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ trẻ nhiễm không cao, nhưng khả năng lây lan trong trường học, điều kiện sinh hoạt, học tập là hoàn toàn có thể xảy ra. Tỷ lệ trở nặng với chủng virus trước thường không trở nặng nhiều, tuy nhiên, với biến chủng Delta một số người trẻ vẫn có tình trạng trở nặng, gây tử vong ở độ tuổi rất sớm.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã bắt tay vào chuẩn bị các vaccine cho trẻ em, ra công văn gửi các sở y tế các tỉnh, thành với công tác chuẩn bị tiêm ngừa vaccine cho trẻ em. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ sử dụng những vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tham khảo tất cả các nghiên cứu trên thế giới để áp dụng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các loại vaccine áp dụng cho trẻ em tại Việt Nam.

Tùng Dương