Vĩnh Phúc xây dựng chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ hiệu lực, hiệu quả

Bước đột phá hướng tới chính quyền số

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:39 - Chia sẻ
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh họp bàn về các giải pháp cải thiện chỉ số CCHC
Nguồn: ITN

Giảm tối đa thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân

Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới hoạt động của bộ máy công quyền. Điều này được thể hiện qua các nghị quyết, chủ trương lớn được ban hành với mục tiêu cuối cùng là hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021 đã tạo “cú hích” lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn.

Cụ thể hóa nghị quyết này, UBND tỉnh đã chỉ đạo, các sở, ban, ngành địa phương thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), công khai, minh bạch các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết. Đồng thời, áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp như: Thực hiện tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; kết nối liên thông giữa phần mềm “một cửa hành chính công” và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; cắt giảm thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày (giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương)...

Tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), góp phần giảm từ 1/3 đến một nửa thời gian giải quyết các TTHC so với quy định. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, UBND tỉnh đã công bố 178 danh mục TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Nếu như trước đây, để hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, các công ty, doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) Khai Quang phải đến Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh ít nhất 2 lần để nộp hồ sơ và một lần để nhận kết quả (nếu hồ sơ có sai sót thì phải đi lại nhiều lần hơn). Từ khi Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mọi việc trở nên thuận tiện và đơn giản hơn rất nhiều. Sau gần 1 năm Ban Quản lý các KCN tỉnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, đã có 2.000 lượt hồ sơ đăng ký trực tuyến giúp giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến 24/7

Mới đây nhất, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án Hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025. Với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng, đề án được đánh giá là bước đột phá để Vĩnh Phúc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số.

Nội dung của đề án xoay quanh các nhiệm vụ trọng tâm như: Chuyển đổi, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và toàn xã hội về ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nền tảng số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực số. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; có ít nhất 20% TTHC được cắt giảm so với hiện nay và 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; 100% cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, huyện, thành phố tham mưu, đề xuất xây dựng nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ triển khai chính quyền điện tử như: Chính sách về nguồn vốn; ưu đãi về chế độ làm việc, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích khi triển khai chính quyền điện tử. Xây dựng các nền tảng số hoạt động trên máy tính, thiết bị di động và các nền tảng khác, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ đến từng người dân. Đặc biệt, tập trung tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ củng cố kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các hệ thống mạng của các cơ quan trong tỉnh, bảo đảm băng thông phục vụ truyền, nhận dữ liệu các ứng dụng và hội nghị truyền hình trực tuyến; chuẩn hóa cấu trúc, hệ thống hóa mã định danh, thực hiện số hóa dữ liệu và cung cấp danh mục dữ liệu đã được số hóa theo quy định để tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. Tăng cường bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực vận hành chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số. Mặt khác, sẽ nghiên cứu, xem xét áp dụng các hình thức thuê hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin do doanh nghiệp cung cấp để có nền tảng dịch vụ chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại, cập nhật liên tục, tiết giảm tối đa chi phí phát sinh.

TRỌNG HIẾU