Góp ý các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Bước phát triển mới về chất

- Thứ Tư, 11/11/2020, 08:24 - Chia sẻ
Chiều qua, 10.11, Quốc hội đã tiến hành phiên thảo luận tổ góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo các ĐBQH, các dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, bám sát vào thực tiễn đất nước ta thời gian qua; những chủ trương, giải pháp nêu ra rất sát và đúng, định hướng phù hợp với điều kiện thực tại của đất nước, đồng thời có những bước phát triển mới sâu sắc về chất.

ĐBQH Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang): Đúc rút từ thành tựu xây dựng nền tư pháp

Các dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, bám sát thực tiễn đất nước thời gian qua. Những chủ trương, giải pháp, định hướng được nêu rất sát, đúng, nhất là các chỉ tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tôi có niềm tin, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ thực hiện được các mục tiêu do dự thảo Văn kiện xác định.

Về nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, tôi rất tán thành với đánh giá trong dự thảo Văn kiện, trong đó biểu hiện cao nhất, tập trung nhất là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa được các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong các nghị quyết như Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị trong Hiến pháp; đánh giá rất cao giá trị của Hiến pháp 2013. Dự thảo Văn kiện tiếp tục kế thừa, thể hiện nội dung cơ bản xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thể hiện bước tiếp cận và phát triển mới là “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động”. Đây là bước phát triển mới về chất đối với nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, chúng ta đều đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, chấp hành pháp luật trong cả nước. Điều này thể hiện mong muốn trong nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Một trong những nội dung bản chất của nhà nước pháp quyền là "pháp quyền là thượng tôn", "pháp chế được bảo vệ". Các dự thảo Văn kiện lần này đã đề cao nguyên tắc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Không chỉ đặt ra yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương mà còn phải gắn thêm và đặt trước hai yếu tố này là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, các nội dung liên quan đến nhà nước pháp quyền phải tiếp tục được thể hiện rõ hơn.

Dự thảo Văn kiện nêu, “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. So với những nội dung xây dựng, cải cách tư pháp hiện hành, dự thảo Văn kiện được thể hiện mới, có bước phát triển quan trọng. Cụ thể, trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 có nêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Lần này, chúng ta đặt vấn đề xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. Chú trọng công bằng và chuyên nghiệp, liêm chính. Đây chính là đúc rút từ thành tựu xây dựng nền tư pháp thời gian qua và đặt ra mục tiêu cơ bản của nền tư pháp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các nội dung thể hiện về xây dựng nền tư pháp, cải cách tư pháp cần tiếp tục phát huy truyền thống pháp lý của dân tộc và những giá trị cải cách tư pháp đã đạt được vừa qua; đồng thời, tiếp cận các giá trị văn minh của thế giới thể hiện tập trung ở các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

ĐBQH Phan Việt Cường (Quảng Nam): Đề nghị bổ sung nội dung sớm sửa đổi, Luật Đất đai

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2021 - 2025, đối với chủ trương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi đề nghị, bổ sung nội dung sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và tiếp tục hoàn thiện thể chế đối với thị trường bất động sản; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý đất đai nhằm đưa nguồn lực này vào sử dụng hiệu quả, khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng. 

Đối với giải pháp cơ cấu lại các ngành sản xuất, đề nghị xác định rõ một số ngành công nghiệp có lợi thế, khả năng phát triển để có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển tiến thẳng lên hiện đại, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao; đồng thời, tập trung phát triển và quản lý chặt công nghiệp khai khoáng, huy động hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên. Có chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các tập đoàn công nghiệp có quy mô, tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao để tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các ngành công nghiệp Việt Nam phát triển.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đề nghị, cần ưu tiên phát triển mạnh hệ thống giao thông khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xem đây là một chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch 2021 - 2025. Hệ thống giao thông kết nối khu vực miền núi với đồng bằng thuận lợi sẽ tạo điều kiện để lưu thông phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bài toán “cho con cá hay trao cần câu” sẽ khó giúp giải quyết dứt điểm được tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Chỉ có giao thông thuận lợi mới tạo môi trường giao lưu kinh tế, văn hóa, làm thay đổi tư duy, thói quen, tập tục sản xuất, giúp đồng bào khu vực miền núi phát triển. Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa miền núi và miền xuôi cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta sẽ giải quyết được mục tiêu kép: xóa đói giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực miền núi với khu vực đồng bằng, bảo đảm công bằng xã hội.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh): Thể hiện rõ hơn quan điểm hoàn thiện thể chế, chính sách về xã hội

Trong hai dự thảo Báo cáo về KT - XH đã có khá nhiều đánh giá về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật. Có hẳn một mục về thực hiện thể chế, cơ chế định hướng xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều điểm đánh giá về thực hiện thể chế trong lĩnh vực KT - XH, kể cả ở kết quả và trong phương hướng nhiệm vụ của giai đoạn tới. Tôi đề nghị, nên đánh giá một cách khái quát nội dung này trong một điểm của dự thảo Báo cáo, đó là thực hiện thể chế, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá khái quát về thể chế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực xã hội. Như vậy sẽ toàn diện hơn, phù hợp với Nghị quyết 11 của Trung ương.

Trong phương hướng, nhiệm vụ được nêu tại Mục 8, dự thảo Báo cáo Chính trị có nêu rõ về quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là mục tiêu rất quan trọng, rất cần thiết, thể hiện ở các lĩnh vực xã hội mà đặc biệt là phát triển con người. Đối với các vấn đề về xã hội được thể hiện trong mục này, cần quan tâm và có định hướng của Trung ương để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thể hiện rõ quan điểm hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về xã hội. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, hiện nay một số chính sách đã ban hành và đang thực hiện còn bất cập như thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Chúng ta đưa cơ chế tự chủ về các bệnh viện nhưng giá dịch vụ y tế lại thực hiện cơ chế “tính đúng, tính đủ". Huy động xã hội hóa để đầu tư còn nhiều bất cập. Tiền lương cũng như các chi phí quản lý tính vào trong cơ chế giá của dịch vụ y tế nhưng lại không phát triển được các lĩnh vực xã hội hóa… Những vấn đề này dẫn đến ảnh hưởng ngược đối với việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Đây là 4 chính sách rất lớn trong lĩnh vực y tế nhưng đều đang có bất cập. Tôi đề nghị, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về lĩnh vực xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế phải được đề cập để hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Tôi rất đồng tình với dự thảo Báo cáo về công tác xây dựng Đảng. Trong báo cáo có đánh giá công tác tư tưởng còn có những hạn chế. Cụ thể là: công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên cần phải đổi mới. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng rất cần có định hướng rõ về đổi mới công tác tư tưởng chính trị, đặc biệt là đổi mới công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến với đảng viên, quần chúng nhân dân.

Từ trước đến nay, chúng ta mới quan tâm nhiều đến việc phổ biến các nghị quyết cho đảng viên. Tuy nhiên, chủ trương, nghị quyết của Đảng cần để cho quần chúng nhân dân nắm được sâu rộng, toàn diện và dễ hiểu, dễ nắm, dễ thực hiện. Như vậy, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống tốt hơn, từ đó đạt hiệu quả cao hơn. 

Thanh Chi - Hoàng Ngọc - Phương Thủy ghi