Hiệp thương lần thứ ba giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

Bước then chốt bảo đảm chất lượng ứng cử viên

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:13 - Chia sẻ
Từ hôm qua, 14.4, cho đến ngày 18.4, hội nghị hiệp thương lần thứ ba giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức, là cơ sở để lập danh sách chính thức ứng cử viên. Đây là hội nghị có ý nghĩa then chốt trong quy trình 5 bước giới thiệu người ứng cử, bảo đảm chất lượng “đầu vào” của ứng cử viên để cử tri lựa chọn được những đại biểu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, đặc biệt là về năng lực, phẩm chất, sự toàn tâm toàn ý đại diện cho quyền và lợi ích của Nhân dân tại Quốc hội, HĐND các cấp.

Đánh giá công tâm, toàn diện

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tính chung ở cả Trung ương và địa phương, tổng số người được đưa vào danh sách sơ bộ ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV là 1.085 người (gồm 205 người ở Trung ương và 880 người ở địa phương), đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. Trong đó, cơ cấu kết hợp chung của cả nước như sau: Ứng cử viên là phụ nữ có 481 người, chiếm 44,33%; ứng cử viên là người dân tộc thiểu số có 242 người, chiếm 22,3%; ứng cử viên là người ngoài Đảng có 145 người, chiếm 13,36%; ứng cử viên là đại biểu Quốc hội Khóa XIV tái cử 208 người, chiếm 19,26% (nếu so với 500 đại biểu được bầu thì tỷ lệ tái cử lần này là 41,6%); ứng cử viên trẻ (dưới 40 tuổi) là 305 người, chiếm 28,11%.

Về bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số người ứng cử do hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 7.161 người trên tổng số đại biểu được bầu là 3.714 người. Về cơ cấu kết hợp: Ứng cử viên là phụ nữ có 2.986 người, đạt tỷ lệ 41,7%; ứng cử viên là người trẻ tuổi có 2.361 người, đạt tỷ lệ 33%; ứng cử viên là người ngoài Đảng có 962 người, đạt tỷ lệ 13,4%; ứng cử viên là người dân tộc thiểu số có 1.227 người, đạt tỷ lệ 17,1%. Cũng theo số liệu tổng hợp từ Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã lập danh sách sơ bộ 45 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ở 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm tỷ lệ 1,2%.

Từ sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số ứng cử viên đạt thấp hơn 50% tín nhiệm của cử tri, có trường hợp đạt 9%, thậm chí chỉ 2%. Điều này cho thấy các hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đã được tiến hành hết sức nghiêm túc, thực chất. Cử tri đã đánh giá khách quan năng lực, phẩm chất của người ứng cử, thể hiện qua mức độ tín nhiệm đối với từng ứng cử viên.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là quy trình cuối cùng, có ý nghĩa then chốt trong quy trình 5 bước giới thiệu người ứng cử. Do đó, pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Trung ương đều nhấn mạnh yêu cầu tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, công tâm, đánh giá toàn diện các ứng cử viên, từ đó chọn ra những ứng cử viên ưu tú, xứng đáng nhất để toàn dân bầu chọn trong ngày bầu cử 23.5.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Thành phần tham dự hội nghị gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận; đại diện Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị. Thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Hội nghị này sẽ được tổ chức trong ngày mai, 16.4.

Đối với Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương triệu tập, chủ trì cũng trong khoảng thời gian từ ngày 14.4 - 18.4.2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị này gồm: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp; đại diện Ủy ban Bầu cử, Thường trực HĐND và UBND cùng cấp được mời tham dự hội nghị.

Bảo đảm số dư lớn hơn số dư tối thiểu

Để bảo đảm sự công tâm, khách quan và chính xác của Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ về thủ tục tổ chức hội nghị ở cả Trung ương và địa phương. 

Trong đó, đối với Hội nghị hiệp thương lần thứ ba giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương được tiến hành như sau: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu; danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Trong đó, trường hợp đặc biệt cũng được quy định rõ là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và Nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…

Tiếp đó, hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Trường hợp không thỏa thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 3 - 5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Chậm nhất là ngày 23.4.2021, tức là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tục tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng được tiến hành tương tự như ở Trung ương. Tuy nhiên, phải bảo đảm thêm một yêu cầu quan trọng là danh sách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở địa phương phải có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Luật cũng quy định rõ, chậm nhất là ngày 23.4.2021, tức là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phải gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Với danh sách sơ bộ người ứng cử đã được lập sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai và các quy định rất chặt chẽ về quy trình, cách thức, thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là cơ sở chắc chắn để tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Tuy vậy, để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, ngang tầm nhiệm vụ, không bỏ sót những người thực sự tiêu biểu, không để lọt những thành phần cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất và có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước... thì các đại biểu tham dự Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải phát huy cao độ trách nhiệm, thảo luận dân chủ, thực sự công tâm, khách quan, đánh giá toàn diện phẩm chất, năng lực, uy tín của người ứng cử, sự tín nhiệm đối với cử tri và cả khả năng đóng góp cho Quốc hội, HĐND nếu người đó trúng cử.   

Nguyễn Bình