Theo dòng sự kiện

Bước tiến vững chắc của lập pháp

- Thứ Ba, 26/10/2021, 05:44 - Chia sẻ
Khi dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mới được cơ quan soạn thảo đưa ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội kinh doanh đã bày tỏ băn khoăn, lo ngại, thậm chí là bức xúc về nhiều nội dung cốt lõi của dự luật. Nhưng “đến nay, những vấn đề này đều đã được tháo gỡ”. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã tiệm cận với các thông lệ tốt, các chuẩn mực pháp luật của quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và hướng đến thúc đẩy thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận tổ sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khá yên tâm về chất lượng chuẩn bị dự thảo Luật. Cùng với báo cáo thẩm tra chính thức của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật đã có một báo cáo thẩm tra riêng dài tới gần 20 trang đánh giá chi tiết các vấn đề về bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trong hệ thống pháp luật. Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhiều lần và trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đã tiếp thu rất nhiều vấn đề để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Với quá trình chuẩn bị, thảo luận kỹ lưỡng qua nhiều vòng như vừa qua, trên cơ sở thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp này và tiếp thu tối đa, nghiêm túc các vấn đề cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu thì chắc chắn sẽ có một dự luật tốt, đáp ứng tối đa mục tiêu đề ra để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba vào tháng 5.2022. Thực tế vừa qua, tại các cuộc tiếp, đối thoại trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo, CEO các tập đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ và thế giới cũng đã không còn băn khoăn về dự luật này nữa. 

Tuy vậy, sau phiên thảo luận tổ sáng qua, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, như Chủ tịch Quốc hội đã chỉ rõ, cần tiếp tục rà soát các quy định về lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm, kể cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô… Đặc biệt, cần phải “gia công” nhiều hơn nữa đối với quy định về bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Bởi đặc thù nước ta bị ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh. Lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp thường xuyên bị thiệt hại rất lớn bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng việc khắc phục hậu quả mới chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Nhà nước và sự trợ giúp, thiện nguyện của xã hội. Việc bù đắp thiệt hại thông qua bảo hiểm còn rất ít, thậm chí bảo hiểm ngư nghiệp, lâm nghiệp hiện nay còn chưa có, bảo hiểm cây trồng vật nuôi cũng mới đang thí điểm. 

“Để tính toán được phí bảo hiểm trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp là vô cùng khó nhưng không thể không làm. Về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực này thông qua bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đương nhiên, trong dự luật này không thể quy định được hết nhưng phải có quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống. Đây cũng là dịp để các cơ quan tiến hành tổng kết, đánh giá, đúc kết xem nội dung nào có thể thể chế hóa, pháp điển hóa để quy định ngay trong dự thảo Luật này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Đặc biệt, vấn đề được các đại biểu Quốc hội tỏ rõ quan điểm “không đồng tình” và yêu cầu cơ quan trình phải khẩn trương hoàn thiện là thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Với 18 nội dung giao Chính phủ và 14 nội dung giao Bộ Tài chính hướng dẫn, trong đó có nhiều nội dung mới, lần đầu quy định ở Việt Nam (như mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, quản trị rủi ro, cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng,..), Chính phủ đề nghị Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7.2023 để cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan có đủ thời gian soạn thảo, ban hành các văn bản này. 

Nếu đồng ý đề xuất trên thì phải sau hơn 1 năm được Quốc hội thông qua, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành. “Như vậy là mâu thuẫn ngay với yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật này mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận định. “Chắc chắn không có đại biểu nào chấp nhận lý do này. Không thể có chuyện Luật ban hành xong rồi cả nước, cả thị trường phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành được”. Nhấn mạnh tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, ngay từ bây giờ, Chính phủ, các cơ quan liên quan phải khẩn trương xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn. “Không thể lấy lý do không ban hành kịp văn bản hướng dẫn để chậm trễ áp dụng luật được, nhất là trong thời gian tới đây chúng ta vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế thì việc có một luật mới được ban hành có thể đẩy thị trường lên cũng là một giải pháp thiết thực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch”. 

Dự luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng là dự luật cuối cùng trong 7 dự luật đầu tiên của nhiệm kỳ này đã được Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ. Đây cũng là một trong những dự luật điển hình cho thấy vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp của Quốc hội, sự quyết liệt của Lãnh đạo Quốc hội trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp để nâng cao chất lượng xây dựng luật.

Từ các dự luật đầu tiên này còn cho thấy bước tiến vững chắc trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, để pháp luật thực sự đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và trở thành động lực kiến tạo sự phát triển.

Lam Anh