Quốc hội thảo luận trực tuyến các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Bứt phá nhanh, lan tỏa đến các địa phương khác

- Thứ Tư, 27/10/2021, 13:41 - Chia sẻ
Sáng 27.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Tạo cơ chế, chính sách để có thêm nguồn lực cho địa phương

Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại các điểm cầu nhất trí ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, việc Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương này sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo cơ sở, cơ chế, chính sách cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế, có thêm nguồn lực, tạo đòn bẩy để bứt phá nhanh phát triển kinh tế - xã hội, có sức lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng. Theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, Thành phố Hải Phòng những năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng rất cao, kể cả về thu ngân sách, thu hút đầu tư và sẽ là động lực tăng trưởng của cả nước, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là thành phố kiểu mẫu của cả nước và khu vực. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương còn tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có diện tích lớn, dân số đông, có nhiều tiềm năng, lợi thế. Nếu được Quốc hội cho thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có thay đổi về quy hoạch, tổ chức bộ máy, nhất là nguồn lực để đầu tư phát triển. Thực tế, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đều đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, đây là điều kiện cần và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách, đặc thù là điều kiện đủ, đại biểu tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, những nội dung, nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong một số trường hợp trên thực tế không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, không giảm thu ngân sách Trung ương, không làm tăng nợ công hay nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô. Về hành chính thì không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất và tập trung từ Trung ương đến địa phương mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các biện pháp quản lý trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng, đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử mà cả hệ thống chúng ta đang triển khai. Đại biểu Nguyễn Thị Lan tin tưởng, với những cơ chế đặc thù như dự thảo Nghị quyết thì chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương nêu trên mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc. Đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra động lực mới, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Nguồn kinh phí quan trọng để bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Nhiều ĐBQH nhất trí với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế. Theo ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, Thừa Thiên Huế được định hướng là đô thị di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và hiện sở hữu 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trước đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết xác định mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng sau 10 năm thực hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng. "Điểm nghẽn" lớn nhất của tỉnh hiện nay là vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, đó là việc bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, từ đây tạo ra nhiều khó khăn khiến công tác kêu gọi đầu tư nguồn lực trong bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích, di sản tại Thừa Thiên Huế chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế tại dự thảo nghị quyết lần này là hợp lý để địa phương có nguồn kinh phí quan trọng để bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế. Việc hỗ trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ này sẽ thuận lợi hơn, quy trình sẽ minh bạch hơn, bảo đảm nguồn vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa Huế.

Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Về quản lý đất đai, theo các dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha và đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha. ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị, Chính phủ giải trình rõ quy trình thực hiện, các trình tự, thủ tục và các điều kiện liên quan đến thẩm định đánh giá tác động môi trường, bảo đảm sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan, nhất là tại các địa bàn xung yếu, vùng giáp ranh giữa các tỉnh khi mở rộng thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 50 ha. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định về nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong Nghị quyết nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong triển khai thực hiện, bảo đảm các mục tiêu quốc gia, diện tích che phủ rừng, bảo vệ môi trường quốc phòng, an ninh.

Thí điểm, kiểm nghiệm hiệu quả trong thực tiễn 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, giữa các địa phương là điều kiện khác nhau, trình độ phát triển khác nhau và khả năng phát triển sẽ khác nhau. Do đó, để tạo nên một "cú huých" cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh thì phải có cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này vừa để bảo đảm sự phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, động lực, các "đầu tàu" để phát triển nhưng cũng quan tâm hài hòa với các địa phương khác. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển hài hoà, kéo gần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Với các vùng còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, hiện có tới 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển đồng bào dân tộc miền núi đang được triển khai thực hiện. Với các dự thảo Nghị quyết về có chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tính chất thực hiện thí điểm để kiểm nghiệm hiệu quả, để các địa phương này có điều kiện bứt phá lên, đồng thời hệ thống chính sách vẫn bảo đảm thống nhất, không có sự mất công bằng.

T. Thành