Cà Mau đẩy mạnh cải cách hành chính

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:22 - Chia sẻ
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, thời gian qua Cà Mau đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, từng bước đổi mới về phương thức làm việc, nâng cao chất lượng hành chính, tạo mối quan hệ gần gũi giữa cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

Chuyển biến rõ nét

Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, công tác cải cách hành chính tại Cà Mau đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực như cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính công và hiện đại hóa hành chính…

Giai đoạn 2011 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành 1.077 Quyết định công bố thủ tục hành chính. Trong đó, có 2.949 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; 3.436 thủ tục hành chính mới được ban hành và 2.920 thủ tục bị bãi bỏ, hủy bỏ. Đến nay, số thủ tục hành chính đang thực hiện tại các cấp của tỉnh là 1.949. Hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Kết quả, có hơn 1.000 thủ tục được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, với tỷ lệ cắt giảm từ 5 - 83%.

Các cơ quan, đơn vị hành chính tỉnh cũng xúc tiến nhanh việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa và một cửa liên thông trên nhiều lĩnh vực; thực hiện đối với 17/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 9/9 đơn vị cấp huyện và 101/101 đơn vị cấp xã. Qua kiểm tra, rà soát, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các đơn vị từ tỉnh đến xã trung bình đạt từ 99,42 - 99,98%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trung bình đạt đến 95%.

Để đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ hành chính công ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua tinh gọn, sắp xếp, đến nay, Cà Mau chỉ còn 101 phòng, 11 tổ chức hành chính trực thuộc sở và tương đương, giảm 20 phòng và 7 tổ chức hành chính so với năm 2011; 624 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 62 đơn vị so với năm 2011; tổng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên cũng tăng từ 26 lên 50.

Ngoài ra, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, Cà Mau luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết nhanh chóng, đúng quy định. Tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Nguồn: ITN

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, những chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp Cà Mau thu hút thêm các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp ngày càng cải thiện đáng kể.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, song Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho hay, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng khi Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa được cải thiện nhiều. Cùng với đó, vai trò người đứng đầu các ngành, các cấp và chính quyền địa phương chưa sâu sát trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, mục tiêu sau cùng của cải cách hành chính là phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Bởi, hiệu quả, thành công của cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở việc chuyển biến trên mặt thủ tục, giấy tờ, mà còn phải cải cách về con người, làm chuyển biến tích cực các cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính. Để thực hiện được điều này, cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải bắt kịp các xu hướng phát triển, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư để có sự thay đổi, chỉ đạo, điều hành phù hợp.

Bên cạnh yếu tố con người, cũng cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là khâu đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung, quyết liệt trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân đồng hành với cải cách, tạo ra tương tác hai chiều.

Vân Phi