Cà Mau sẵn sàng ứng phó với hạn mặn

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:15 - Chia sẻ
Là tỉnh ven biển, không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông đầu nguồn, đời sống, sản xuất của người dân Cà Mau phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán và xâm nhập mặn. Ứng phó với mùa khô 2020 - 2021, Cà Mau đã chủ động triển khai nhiều biện pháp với các kịch bản cụ thể.
Tuyến ven biển Cà Mau bị xâm nhập mặn từ đê biển vào đất liền từ 1 - 2km

Chủ động kịch bản ứng phó

Theo các thống kê, tần suất xuất hiện của hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa khoảng 5 năm/lần (2009 - 2010, 2015 - 2016, 2019 - 2020), có xu hướng ngày càng tăng về cấp độ rủi ro, ngày càng khốc liệt. Trong đợt hạn hán mùa khô năm 2015 - 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã lần lượt ban hành các quyết định công bố thiên tai, hạn hán cấp độ 1 trên cây lúa và cấp độ 2 trên tôm nuôi, ước thiệt hại trên 1.400 tỷ đồng. Trong đợt hạn hán mùa khô năm 2019 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định tình huống thiên tai, hạn hán cấp độ 2.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết, hiện lưu vực sông Mekong đang ở thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 - 2021. Nguồn nước mùa khô năm 2020 - 2021 về vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm có hạn mặn lịch sử 2015 - 2016 hoặc 2019 - 2020. Vì vậy, mặn hạn ở khu vực này tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai, hạn hán và xâm nhập mặn vùng ngọt là các loại hình thiên tai cùng đi song song với nhau. Nhưng hạn hán thời gian xuất hiện sớm và diễn biến kéo dài khoảng 4 tháng trở lên; xâm nhập mặn vùng ngọt có thể xuất hiện muộn hơn, kéo dài hơn và kết thúc muộn hơn hạn hán.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 ở khu vực Nam Bộ đến sớm, cao hơn trung bình nhiều năm. Dù được dự báo là sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020, song để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã xây dựng các kịch bản ứng phó. Theo đó, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt từ ít gay gắt đến tương đương và cao hơn mùa khô năm 2019 - 2020, với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Giải pháp phòng, chống hợp lý

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, thời gian tới, tình hình hạn hán sẽ còn gay gắt hơn do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu dưới tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Ðặc biệt, Cà Mau là tỉnh ven biển, không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông đầu nguồn, đời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán và xâm nhập mặn; nhất là ở các khu vực thuộc vùng ngọt hoá địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, các khu vực ven biển, vùng nông thôn sâu.

Hạn hán cùng với xâm nhập mặn sâu nội đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, nếu không có giải pháp phòng, chống hợp lý. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021, trước mắt, Cà Mau sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc theo dõi, ứng phó thời tiết nguy hiểm; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm để kịp thời chỉ đạo xử lý khi có diễn biến xấu.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, qua đó rà soát, cập nhật linh hoạt kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai cụ thể của ngành, địa phương mình sát với thực tế để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động bất ngờ. Chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch theo phân cấp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét biện pháp đắp đập tạm để trữ nước ngọt, ngăn mặn đối các vùng ngọt hóa...

Cùng với đó, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là công tác huấn luyện thực hành phòng chống thiên tai các cấp; huy động mọi nguồn lực tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước vào cuối mùa mưa, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để vào mùa khô…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn cho biết, với bài học kinh nghiệm từng bị thiệt hại nặng nề vì hạn, mặn từ nhiều năm trước, đến thời điểm hiện tại, các xã, thị trấn trong toàn huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện mực nước trên các con kênh trong vùng ngọt còn đầy, không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất vụ lúa đông xuân mà còn bảo đảm trong việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.

Ông Nguyễn Long Hoai cho biết thêm, 20.851 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2019 - 2020 đã chủ động mua sắm hoặc được hỗ trợ dụng cụ chứa nước bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong mùa khô. Ðồng thời, người dân được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi sử dụng tiết kiệm nước.

Ghi nhận từ thực tế, những năm trước đây, chỉ sau ít tháng bước vào mùa khô, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Cà Mau đã diễn ra khốc liệt. Còn năm nay, nhờ có phương án phòng, chống từ trước nên hiện nay lượng nước ngọt trong các kênh, rạch tại vùng ngọt hoá còn đủ để phục vụ sản xuất và giao thông của người dân. Tình trạng sụt lún các công trình cơ sở hạ tầng và nguy cơ cháy rừng không xảy ra nghiêm trọng như năm trước.

Vân Phi