Cá nhân, tổ chức được vận động, tiếp nhận tiền ủng hộ

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:42 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2008/NĐ – CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (Dự thảo) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Theo đó, Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.

Chưa theo kịp thực tiễn

Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay, đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Hội thiện nguyện xã Diễn Thọ (Nghệ An) tổ chức hoạt động cứu trợ tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng cũng đã cho thấy, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập. Điển hình, chưa cho phép cá nhân và các tổ chức tham gia công tác cứu trợ; thời gian thực hiện cứu trợ ngắn, không đủ để giúp người dân phục hồi; việc thực hiện công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa các quy định luật có liên quan...

Chẳng hạn Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chỉ cho phép Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ. Điều này có nghĩa là theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức nào không được quyền tổ chức nhận tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên, trên thực tế điều này diễn ra thường xuyên, thậm chí có những cá nhân, tổ chức (không được pháp luật quy định) kêu gọi, thu hút được hàng trăm tỷ đồng.

Một thực tế khác cho thấy, trong quá trình cứu trợ, nhiều tổ chức, cá nhân tự tổ chức, không có mối liên hệ phối hợp với các cơ quan, địa phương nên nhiều đoàn thiện nguyện thiếu chỉ dẫn, thông tin, không hiểu tình hình địa bàn và dân cư nơi lũ lụt, do đó đã xảy ra tình trạng cứu trợ chưa đúng đối tượng, có nơi trao quà bị thất thoát, lãng phí... Thậm chí có địa điểm trao quà, do có quá nhiều đoàn cứu trợ cùng đến, không thể cùng lúc tiếp cận được với người dân, làm cho một số thành viên của các đoàn thiện nguyện thể hiện sự bức xúc với địa phương. Cũng có trường hợp, do không đăng ký kế hoạch và phối hợp với địa phương, nhiều đoàn từ thiện đã đi vào sâu khu vực ngập lũ, phương tiện bị hỏng hóc, cơ quan chức năng địa phương phải dùng thuyền, ca nô ứng cứu.

Hơn nữa, khi đối chiếu với những các văn bản liên quan còn cho thấy, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP có không ít quy định không tương thích, như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Pháp lệnh phòng chống lụt bão; Nghị định số 148/2007 về Quỹ từ thiện, Quỹ xã hội; Quyết định 64/2001 về viện trợ phi chính phủ...

Dự thảo hướng tới bảo đảm việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Quy định rõ sự phối hợp

Để khắc phục những tồn tại nói trên, Dự thảo đã mở rộng chủ thể được vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng viện trợ, tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn. Theo đó, cho phép các cá nhân, tổ chức tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước. Có thể thấy, đây là một điểm mới, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp.

Thành viên Văn phòng Luật NHQuang và Cộng sự, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, việc bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện là điểm mới đáng lưu ý của Dự thảo. Tuy nhiên, hai phương án về quy định cho phép cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn tự nguyện còn đơn giản, sơ lược, khó thực thi.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc quốc gia, Tổ chức Tổ chức Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú cho rằng, việc cho phép các cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động từ thiện đã bảo đảm được tính tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và tình hình thực tế hiện nay người dân tham gia công tác từ thiện, cứu trợ nhân đạo rất nhiều. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch, có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn đóng góp để bảo đảm những đóng góp, cứu trợ có hiệu quả và bền vững lâu dài. Tuy nhiên, quy định cá nhân cần thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương trong quá trình cứu trợ là rất cần thiết. Bởi, nếu không phối hợp với chính quyền địa phương thì nguồn cứu trợ đôi lúc không đúng đối tượng, không đúng nhu cầu và chồng chéo. Chính quyền địa phương sẽ hiểu thực trạng của địa phương nhất và họ biết được nơi nào cần hỗ trợ hơn, cần cái gì, đem lại hiệu quả công tác cứu trợ cao hơn.

Nguyễn Ngân