Thảo luận tại Tổ về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025

Cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm chủ động trong điều hành

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 12:43 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ sáng 24.7 về kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn cần đẩy mạnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn với kiểm tra, đôn đốc, đánh giá khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và dự kiến giai đoạn 2021 – 2025.

Giảm hơn một nửa số dự án

Theo Tờ trình tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới. Thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương (NSTW), hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn NSTW, kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước kế hoạch vốn hằng năm. Đã đổi mới công tác kế hoạch hóa với tầm nhìn trung hạn, cơ cấu đầu tư công chuyển biến tích cực; phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ thứ tự ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa các vùng, miền. Đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công từng bước được cải thiện, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún, số dự án đầu tư công giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015, góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư ngoài nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và dự kiến giai đoạn 2021 – 2025
Ảnh: Quang Khánh

Về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng cho biết, tổng mức vốn NSNN thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn (trong đó 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP). Trong đó, số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết tối đa là 2.720 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTW là 1.350 nghìn tỷ đồng, NSĐP là 1.370 nghìn tỷ đồng. Dự phòng vốn NSTW là 10% (150 nghìn tỷ đồng) bằng với mức dự phòng giai đoạn 2016-2020. Mức dự phòng NSĐP do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án”. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông – Tây.

Chưa đạt các mục tiêu theo Nghị quyết 26 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú trình bày báo cáo thẩm tra
Ảnh: Quang Khánh

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp, ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid – 19. Phát biểu tại Lễ phát động, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kể từ cuối tháng 4.2021 đến nay, đất nước ta đang đối mặt và chịu tác động nghiêm trọng của đợt bùng phát thứ 4, đại dịch Covid – 19. Tính đến sáng ngày 24.7, cả nước đã có gần 87.000 người nhiễm. Dịch bệnh đang lây lan đến tất cả các địa phương trong cả nước. Nhiều vùng, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân vùng dịch gặp nhiều khó khăn, các lực lượng tuyến đầu chống dịch đang tận tụy ngày đêm căng mình chống dịch. Để chung tay góp sức phòng, chống dịch bệnh, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức quyên góp, ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid – 19. "Đây là hoạt động rất có ý nghĩa tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh. 

Cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại Báo cáo của Chính phủ, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2025, đó là, việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt, có 2 mục tiêu vượt, 2 mục tiêu đạt và 2 mục tiêu không đạt so với kế hoạch; trong đó chi đầu tư NSTW giai đoạn 2016-2020 không đạt so với kế hoạch Quốc hội quyết định. Tỷ lệ chi đầu tư giữa NSTW và NSĐP giảm dần qua các năm, tích lũy ngân sách cho chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm và ở mức thấp. Việc thực hiện một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 26 chưa thành công. Nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn. Nhiều dự án dự kiến sử dụng nguồn lực PPP không thực hiện được, phải chuyển sang đầu tư bằng nguồn NSNN. Nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công…

"Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc chậm trễ là do yếu kém trong tổ chức thực hiện; chậm tiến độ giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chất lượng dự án chưa đảm bảo, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; bố trí vốn không kịp thời; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý chưa đáp ứng yêu cầu… Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới", Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh. 

Với việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ cần lưu ý: tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu NSNN thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Một số ý kiến đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2.750.000 tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV.

Gói gọn dưới 5.000 dự án, không dàn trải

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản thống nhất với đánh giá cho rằng, giai đoạn 2016 – 2020, việc phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã cơ bản tuân thủ nguyên tắc, định mức đặt ra. Hiệu quả của vốn đầu tư công từng bước được cải thiện. Tuy nhiên ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, Chính phủ vẫn cần lưu ý, về các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc những vấn đề đang gây "nghẽn mạch" công tác giải ngân hiện nay. Đơn cử, trong công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, do xung đột về lợi ích, đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế. Phương án, dự toán, bồi thường không có sự đồng nhất giữa dự án đầu tư công “áp giá kèm hỗ trợ” và dự án đầu tư tư “áp giá kèm thỏa thuận”. Bên cạnh đó là sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành cũng là nguyên nhân kìm hãm hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng, khiến đầu tư công không bảo đảm tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Thái Bình, Kom Tum tại phiên họp tổ sáng 24.7
Ảnh: Quang Khánh

Giai đoạn 2021 – 2025, nhiều đại biểu đánh giá, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có nhiều điểm mới, đó là gói gọn dự án (dưới 5.000 dự án), không dàn trải, lấy nguồn vốn đầu tư công làm “vốn mồi” cho các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (ĐBQH tỉnh Thái Bình) nêu rõ, trong 5 năm tới, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét tập trung cho các công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, để tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết địa phương để tạo sự đột phá, thu hút đầu tư xã hội.

Cũng trong giai đoạn 2021 – 2025, các đại biểu đề nghị, cần đẩy mạnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn với kiểm tra, đôn đốc, đánh giá khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế khi làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, “trong 6 tháng đầu năm 2020 là năm dịch bệnh căng thẳng, Khánh Hòa chỉ giải ngân được 20% kế hoạch đầu tư công trung hạn là mức rất thấp so với các địa phương khác. Khi hỏi ra, Sở nào cũng bảo vướng luật, nhưng thực tế là vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Sau khi đẩy mạnh, quyết tâm làm quyết liệt hơn, thì đến tháng 12.2020, Khánh Hòa lại là một trong những tỉnh làm tốt nhất. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, rất cần phát huy cho giai đoạn tới”.   

Cũng xuất phát từ thực tế địa phương, có ý kiến chia sẻ, trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, nên chăng thay đổi lại tư duy, mục tiêu của thanh tra, kiểm tra là giúp phát hiện, cảnh báo sớm các vi phạm, hỗ trợ các bên có liên quan để hoàn thiện không vi phạm nữa, chứ không phải chỉ xử phạt. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Thái Nguyên) nêu quan điểm, trong triển khai các dự án đầu tư công rất cần sự hỗ trợ pháp lý; bổ sung thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, nhưng các cơ quan thanh, cơ quan kiểm toán cần có thêm biện pháp chia sẻ, đồng hành với địa phương, kịp thời giúp đỡ, hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công nếu có vướng mắc.

Hoàng Ngọc