Cải cách thủ tục hành chính:

Các bộ ngành, cơ quan phải đồng tốc, tăng tốc

- Thứ Năm, 08/10/2020, 19:31 - Chia sẻ
Thời gian qua chúng ta đã ban hành nhiều nghị quyết và liên tục cắt giảm các thủ tục nhưng vẫn chỉ đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh và thứ 7 về năng lực cạnh tranh quốc gia trong ASEAN. Nếu chúng ta hài lòng với những cái đã có thì sẽ bị tụt hậu. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12.5.2020 rất tổng thể và toàn diện; nếu muốn đi nhanh thì các bộ ngành, cơ quan phải đồng tốc và tăng tốc. Đây là nhấn mạnh của Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan tại Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 tổ chức mới đây, tại Quảng Ninh.

“Làn sóng” cải cách thứ 3 tại Việt Nam

Theo ông Ngô Hải Phan, từ năm 2007 đến nay, chúng ta đã trải qua 2 làn sóng cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Những kết quả cải cách đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam giai đoạn 2018-2019 tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia…Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm cải cách quốc tế và thực tiễn cải cách của nước ta thời gian qua, ngày 12.5.2020, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết 68).

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Nhận định về lần cải cách này, ông Ngô Hải Phan cho rằng, đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, được ví như là “làn sóng” cải cách thứ 3 tại Việt Nam. Theo đó, việc thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh bao gồm: quy định TTHC, quy định về báo cáo, về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh, về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu áp dụng đối với các văn bản đang có hiệu lực và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Mục tiêu mà Nghị quyết 68 đặt ra trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31.5.2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31.10.2020). Đồng thời giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, Nghị quyết 68 cũng hướng tới cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện các quy định nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan hành chính và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cán bộ làm cải cách phải có kiến thức, tầm nhìn và nhiệt huyết

Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, các bộ, ngành đã ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68 và lập danh mục thống kê các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, VPCP đã xây dựng công cụ cải cách và tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh...

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Dù ban hành nhiều nghị quyết và liên tục cắt giảm các thủ tục, nhưng theo ông Ngô Hải Phan Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh và thứ 7 về năng lực cạnh tranh quốc gia trong ASEAN. Hiện nay, các nước trên thế giới và trong khu vực ASEAN cũng đang có cuộc đua “phi nước đại” về cải cách kể cả cải cách quy định lẫn cải cách việc thực hiện thông qua ứng dụng những thành quả của cuộc cách mạng 4.0, sử dụng công cụ số để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn….

“Nếu chúng ta hài lòng với những cái đã có thì sẽ bị tụt hậu. Nghị quyết 68 rất tổng thể và toàn diện; nếu muốn đi nhanh thì các bộ ngành, cơ quan phải đồng tốc và tăng tốc; rất mong các cán bộ làm công tác cải cách thủ tục hành chính có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn phù hợp với xu thế hiện đại và đặc biệt là nhiệt huyết để đóng góp vào sự thành công của làn sóng cải cách mới này”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Hà An