Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên

Các cơ quan của Quốc hội cần tham gia ngay từ khâu đàm phán

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:04 - Chia sẻ
Việc tham gia các hHiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần đưa Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu thế giới; tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, tạo động lực để Việt Nam hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Tuy vậy, việc thực hiện các FTA thời gian qua cho thấy các cơ hội chưa được phát huy tối đa. Thực tế này đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường vai trò giám sát, chủ động tham gia ngay từ khâu đàm phán các FTA.

Tăng cường hiệu quả thực hiện 

Năm 2020 đánh dấu tròn 25 năm kể từ khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên là Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1995 và 8 năm thực hiện Chiến lược tham gia các FTA của Việt Nam đến 2020 tại Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 9.8.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đặt trong bối cảnh đó, chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên có ý nghĩa quan trọng, nhằm rà soát, đánh giá tình hình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. 

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu trong cuộc làm việc giám sát về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do
với các Chính phủ, các bộ, ngành.
Ảnh: Quang Khánh

Giám sát nhằm đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các cấp chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Giám sát cũng nhằm xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, tìm ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên và có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt pháp lý để đàm phán, ký kết các FTA mới trong thời gian tới. 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết rất hứng thú với chuyên đề giám sát này vì ông nhận được rất nhiều tài liệu quý báu từ các ban, ngành, các tập đoàn và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các báo cáo rất chi tiết, nhiều thông tin bổ ích. “Qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy được nỗ lực của Chính phủ trong triển khai tinh thần nghị quyết của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng ưu thế trên thương trường quốc tế nhằm nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói. Về phía Quốc hội, với những FTA cần sự phê chuẩn thì Quốc hội đều đã phê chuẩn rất kịp thời. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, Quốc hội cần tham gia ngay từ khi bắt đầu quá trình đàm phán các FTA chứ không nên chỉ tham gia ở khâu phê chuẩn, giám sát thực hiện như vừa qua.

Việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Song bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức, điều hành. Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thông qua chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật cũng như trong công tác điều hành.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chuyên đề giám sát này rất cần thiết, bởi trong suốt 25 năm qua chúng ta chưa có chuyên đề giám sát nào về nội dung này. “Điều quan trọng nhất là chúng ta có sự đồng thuận rất lớn trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân về việc tham gia các FTA”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói. Để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các FTA, vai trò giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất quan trọng. Thông qua giám sát, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên và đàm phán, ký kết các FTA mới trong thời gian tới. 

Báo cáo của Tổ giúp việc cho Đoàn giám sát cũng ghi nhận và tiếp thu kiến nghị việc hàng năm Chính phủ, bộ, ngành có báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện FTA; tăng cường tiến hành các cuộc đối thoại giữa Quốc hội và doanh nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong giám sát thực hiện các FTA, tiếp tục nghiên cứu kiến nghị về việc có cơ quan đầu mối thực hiện FTA của bộ, ngành…

Củng cố bộ máy quản lý, điều hành

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết châu lục, với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm hơn 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của ta thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ tổng quan cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do.  

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế như Việt Nam chủ yếu xuất thô, chưa chế biến tinh; doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặt phải cố gắng để có thể vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, thể chế và pháp luật trong nước cần tiếp tục hoàn thiện… Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đề nghị, Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố bộ máy tổ chức quản lý, điều hành cho hiệu quả, phân rõ chức năng, nhiệm vụ trong việc thực thi các FTA. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các FTA tới doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần chú ý hơn tới vấn đề rào cản phi thuế quan, hỗ trợ mặt hàng trong nước; quan tâm đến các ngành hàng có chất lượng, ưu thế; quan tâm tới những thị trường mới, nhiều tiềm năng… 

Bối cảnh quốc tế không ổn định, chiến tranh thương mại thời gian qua đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các FTA của Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo đánh giá tác động và dự báo tình hình nhằm có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA của Việt Nam thời gian tới. 

Nhật An