Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid -19

Các giải pháp cần cụ thể, bảo đảm triển khai thực sự hiệu quả

- Thứ Hai, 08/11/2021, 04:30 - Chia sẻ
Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ xác định rõ trong báo cáo trình Quốc hội, song quan trọng hơn cả, theo nhấn mạnh của các đại biểu Quốc hội, đó là khâu triển khai thực hiện phải thực sự hiệu quả, các giải pháp cần cụ thể.
ĐBQH thảo luận tại tổ, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV về kinh tế - xã hội
Ảnh: Quang Khánh

Đan xen giữa vui và lo

Sự khởi sắc của kinh tế - xã hội được thể hiện qua chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được giữ ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; và 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm. Thu ngân sách 10 tháng đạt 90,9% dự toán, đáp ứng 31,55 nghìn tỷ đồng nhu cầu phòng, chống dịch và 19,22 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân.

Và tín hiệu thể hiện rõ nhất sự khởi sắc của tình hình kinh tế - xã hội chính là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 15,8% so với cùng kỳ. Việc nguồn vốn đầu tư FDI tăng thêm cho thấy nhu cầu mở rộng sản xuất cao, qua đó thể hiện niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của kinh tế nước ta. Một trong ba trụ cột tăng trưởng của năm 2020 là xuất khẩu cũng có khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 6,4% so với tháng trước, với mức xuất siêu là 2,85 tỷ USD (cùng với đầu tư công và tiêu dùng nội địa). Tính chung 10 tháng xuất siêu đã trở lại đạt 160 triệu USD.

Ngoài ra, khác với diễn biến trong các tháng 8 và 9 trước đó, sản xuất công nghiệp có những tín hiệu phục hồi trong tháng 10, khi ở mức 6,9% so với tháng trước, tính chung 10 tháng tăng 3,3%. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 cũng tăng hơn 111% so với tháng 9. Ghi nhận ở các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều cho thấy sự phục hồi về số doanh nghiệp quay trở lại thị trường ở các mức độ khác nhau. Ví dụ tại TP. Đà Nẵng, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng 167,3%, TP. Cần Thơ tăng 58,3%, TP. Hồ Chí Minh tăng 31,6%, TP. Hà Nội tăng 17,8%, các tỉnh Bình Dương tăng 17%, Đồng Nai tăng 3,8%…

Điều vui mừng hơn cả, đó là không dừng ở tháng 10 hay các tháng cuối năm 2021, mà sự phục hồi của nền kinh tế nước ta cũng được các chuyên gia kinh tế ghi nhận có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2022, khi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thì nguy cơ giá tiêu dùng tăng cao cũng được cảnh báo. Bởi, với xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, than... hiện nay sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành phẩm cao hơn, qua đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao. Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, mà năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng khi khó đưa mức giá của hàng hóa xuất khẩu giảm, tạo lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác.  

Thậm chí, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm 2022 được dự báo sẽ có khó khăn. Bởi, dự báo của các cơ quan chuyên môn cho thấy, CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường nhiều bất lợi, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Ba động lực tăng trưởng

Năm 2022 được đánh giá có vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương phục hồi kinh tế, cũng như hoàn thành các mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, về nguyên tắc, tốc độ tăng trưởng của năm 2022 sẽ phải ở mức cao. Nhưng, việc thực hiện mục tiêu này không hề đơn giản, được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, vì khi nước ta phục hồi cũng là lúc thế giới thu hẹp tiêu dùng, sau khi nhiều quốc gia triển khai các gói kích thích kinh tế thời gian qua.

Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra 3 động lực phát triển năm 2022, gồm: Khôi phục thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Tại các phiên thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội trong đợt họp trực tuyến vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xác định những động lực phát triển là hợp lý trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, như nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, quan trọng là việc triển khai các giải pháp phải thực sự hiệu quả, đặc biệt là phải quyết liệt xử lý rốt ráo những hạn chế trong đầu tư công đã tích tụ từ những năm trước. Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về nội dung này cũng cho thấy, có đến 24 ý kiến không hài lòng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, vẫn chậm, không đạt yêu cầu tiến độ theo kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

Trong thực hiện mục tiêu phục hồi sản xuất - kinh doanh cũng cho thấy, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 đang triển khai (như giãn, giảm, miễn thuế, phí…) mới giảm bớt khó khăn, chưa đưa ra động lực cho việc phục hồi hoạt động. Trong khi đó, khi mở cửa sản xuất, kinh doanh sẽ phải bổ sung nguồn lực để tiếp sức cho doanh nghiệp, mà cách phổ biến nhất là có nguồn vốn cho họ vay.

Đương nhiên, nguồn vốn này không thể qua con đường vay thương mại bình thường, vì trong giai đoạn phục hồi chưa thể xác định đầu tư có hiệu quả hay không, nếu vay bằng lãi suất thông thường thì doanh nghiệp khó có thể tiếp cận. Để doanh nghiệp vay được vốn với giá rẻ, có đại biểu Quốc hội kiến nghị, Chính phủ cần trích ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với các giải pháp về lãi suất cho vay, doanh nghiệp cũng sẽ cần hỗ trợ vốn vay song hành với cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà và tinh thần thái độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức... 

Các động lực quan trọng để phục hồi kinh tế được Chính phủ xác định là phù hợp với điều kiện hiện nay, nhưng đây mới là bước đầu. Điều được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại các phiên thảo luận tổ, đó là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có một kế hoạch hành động chi tiết, khả thi, bảo đảm sự triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Và, trong hai ngày diễn ra phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19, một trong những yêu cầu đặt ra chính là cần có sự trao đổi thẳng thắn, kỹ lưỡng về các giải pháp triển khai cụ thể, chỉ ra những điểm nghẽn từ chính sách đến quá trình thực thi. Qua đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động để có thể thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm cũng như trong năm 2022 tới, bảo đảm sự thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Lê Bình