Các nhà vườn e dè, giảm sản lượng trồng hoa Tết

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 18:04 - Chia sẻ
Còn khoảng hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vào khoảng thời điểm này mỗi năm, nông dân các làng hoa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại nô nức xuống giống trồng hoa với niềm hy vọng về một mùa xuân rực rỡ, tuy nhiên, năm nay, hầu hết các làng hoa lớn ở đồng bằng đều giảm sản lượng, với nỗi lo canh cánh về giá phân bón, thị trường tiêu thụ ngày Tết.

Thủ phủ hoa miền Tây thu mình vì đại dịch

Theo Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, năm nay, làng hoa Sa Đéc dự kiến xuống giống diện tích 70ha, giảm 40ha so với các năm trước. Hiện nay, những loại hoa cần có thời gian sinh trưởng dài ngày như cúc mâm xôi, cúc kim cương cúc Đài Loan, hồng tiger, cúc đồng tiền…. đã được xuống giống. Dịch bệnh hoành hành khiến các điểm làm du lịch cộng đồng phải đóng cửa, đường hoa trong thành phố hoa cũng bị ảnh hưởng nên Sa Đéc - nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa của miền Tây khá trầm lắng. Diện tích trồng hoa bị giảm, người dân xoay sang trồng cây công trình, cây trang trí nội thất để bán quanh năm.

Năm nay người tiêu dùng sẽ không có nhiều lựa chọn các mặt hàng trái cây độc, lạ

Ông Lê Văn Sơn, ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cho biết: “Vụ hoa năm nay, gia đình tôi chỉ trồng khoảng 20.000 giỏ hoa, kiểng, giảm 30% so với năm ngoái, chủ yếu là cúc đồng tiền, hoa hải đường nắng. Do khó khăn trong việc di chuyển nên các vườn hoa đều thiếu nhân công, giá xăng dầu, phân bón tăng mạnh nên dự kiến chi phí đầu vào tăng khoảng 20% so với mọi năm”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, nhận thấy những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ những tháng trước, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND TP Sa Đéc cùng các ngành, địa phương khuyến cáo nông dân làng hoa cân đối việc xuống giống hoa trong năm và hoa Tết. Trong đó, khuyến khích nông dân giảm lượng giống và chỉ xuống những giống theo đúng nhu cầu thị trường và ưu tiên cho những loại hoa truyền thống mà người dân Nam bộ thường hay chưng, cúng dịp Tết. Để chủ động đầu ra, tránh bị thương lái ép giá, các hợp tác xã, câu lạc bộ hoa kiểng ở thánh phố Sa Đéc đã hướng dẫn xã viên triển khai bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... đồng thời chủ động liên hệ với các đầu mối, doanh nghiệp truyền thống nhằm giảm nỗi lo vấn đề đầu ra cho hoa, kiểng Tết.

Tại thành phố Cần Thơ, hoa kiểng được trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Song, tập trung nhiều là tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy và Làng hoa Tân Long A thuộc xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền. Bên cạnh đó, hoa còn được trồng tại các phường Thốt Nốt, Trung Kiên và Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt, phường Thới An Ðông (quận Bình Thủy), phường An Bình (quận Ninh Kiều)... Dù lượng hoa kiểng nông dân chuẩn bị cho mùa Tết năm nay có giảm mạnh về số lượng so với năm trước nhưng nhìn chung vẫn khá đa dạng chủng loại, với nhiều loại hoa, kiểng lá và cả các loại kiểng bonsai. Trong đó, các loại hoa hiện đã được nông dân tập trung xuống giống trồng nhiều là hoa cúc mâm xôi, cúc đài loan, cúc tiger, cúc pico, cát tường, hồng nhung, mai dạ thảo, các loại hoa chậu treo, sen đá...

Anh Lê Khắc Qui, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Long A ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Hợp tác xã có 38 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 27ha. Ðến thời điểm này, nông dân tại hợp tác xã đã xuống giống gieo trồng được 50.000 chậu hoa, kiểng các loại. Nhìn chung, chi phí sản xuất nhiều loại hoa kiểng đã tăng khoảng 20% so với năm trước nên nông dân rất mong tới đây hoa kiểng cũng bán được giá cao. Những năm trước đây khi chưa có dịch Covid-19, hợp tác xã sản xuất  220.000 chậu các loại, năm ngoái sản lượng giảm một nửa, năm nay chỉ còn khoảng 60.000 chậu nhưng không biết đầu ra thế nào”.

Rụt rè tạo hình trái cây độc lạ

Cùng mang tâm lý e ngại dịch bệnh, nhiều chủ vườn chuyên tạo hình trái cây độc lạ năm nay “buông tay”, bỏ thị trường hoặc chỉ sản xuất rất ít. Nông dân Võ Trung Thành ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - người có thâm niên lâu nhất trong nghề làm trái cây tạo hình ở miền Tây cho biết, năm nay ông không tạo hình bưởi hồ lô và dưa hấu thỏi vàng nữa. Do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhân công thiếu, việc buôn bán thông thương có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nên ông quyết định “nghỉ ngơi” một năm vì khi tạo hình, tỷ lệ thành công rất thấp, bưởi và dưa bị rụng trái nhiều, lỡ năm nay chợ vắng người, sức mua giảm thì  rủi ro sẽ rất cao. Tương tự như ông Thành, anh Huỳnh Thanh Tâm, chủ một nhà vườn ở Bến Tre cũng ngưng sản xuất trái cây tạo hình độc lạ. Những năm trước, các mặt hàng chủ đạo của vườn nhà anh là dừa hồ lô, bưởi hồ lô, bưởi vuông. Để tránh bị thua lỗ, năm nay anh Tâm chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, chủ yếu là loại dừa tròn, in chữ nổi.

Tuy mang tâm lý e sợ thị trường nhưng ở chiều ngược lại, nhiều nông dân được nhận chuyển giao kỹ thuật vẫn kiên trì thử nghiệm, nên chắc chắn thị trường tết năm nay không vắng hẳn trái cây độc lạ. Ngoài ra, trái cây in chữ thư pháp sẽ trở thành mặt hàng chủ lực trên thị trường. Nhiều thương lái cũng dự định, nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện, gian hàng tết sẽ thuê nghệ nhân vẽ, khắc, chạm tại chỗ với nhiều mẫu mã, hoa văn khéo léo, tinh xảo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Vũ Châu