Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long căng mình chống dịch

- Thứ Năm, 04/11/2021, 16:30 - Chia sẻ
Từ ngày 31.10 - 2.11, số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh miền Tây đã vượt mốc 2.000 ca/ngày. Riêng thành phố Cần Thơ, chỉ trong sáng 4.11 đã ghi nhận thêm 244 ca mắc mới, cá biệt có ngày ghi nhận hơn 430 ca. Các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang chuyển màu cấp độ dịch và lập các chốt kiểm tra trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sơ Y tế TP Cần Thơ, trong 14 ngày qua (từ 20.10 đến 2.11), thành phố ghi nhận 2.026 F0, tăng 3,2 lần so với 14 ngày trước đó. Trong đó, có 203 F0 qua tầm soát tại cơ sở y tế, cho thấy dịch còn lưu hành trong cộng đồng. Thành phố hiện có 1.625 F0 đang điều trị. Trong đó, 270 bệnh nhân có bệnh nền, 16 bệnh nhân nguy kịch.

Nguyên nhân khiến số ca F0 tăng nhanh là do công tác giám sát cách ly tại nhà chưa tốt, doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các quy định, cơ quan nhà nước thiếu kiểm tra, giám sát, quy trình xử lý khi có F0 ở doanh nghiệp chưa đúng, quản lý sức khỏe người dân ở cộng đồng chưa tốt, người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông về khá lớn.

Tại các địa phương khác, số ca nhiễm cũng tăng cao. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tại 13 tỉnh, thành miền Tây đã tăng lên 2.029 ca, cao gấp hơn 4 lần so với cuối tháng trước và vượt mốc 2.000 ca nhiễm/ngày kể từ khi có dịch. Trong đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng khiến công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực càng thêm khó khăn.

Hậu Giang là một trong những địa phương đầu tiên ở ĐBSCL triển khai tiêm vaccine cho trẻ em

Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, tỉnh này có ngày ghi nhận gần 100 ca cộng đồng, nghiêm trọng nhất, các ổ dịch xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp có số lượng công nhân đông và di chuyển phức tạp dễ dẫn đến ổ dịch mới sẽ tiếp tục phát sinh trong cộng đồng. Các huyện: Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông và TP. Mỹ Tho đang có diễn biến dịch phức tạp nhất. Trong đó, huyện Châu Thành từ ngày 19.10 đến nay số ca mắc mới tăng cao, số ca mắc trung bình 7 ngày gần nhất tăng đến 400% so với thời điểm nửa đầu tháng 10.

Tại An Giang, diễn biến dịch đang lây lan nhanh trên địa bàn TP. Long Xuyên và các huyện Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn, chỉ trong 5 ngày từ 28.10 - 3.11, tỉnh ghi nhận hơn 1.400 ca mắc mới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết, tại Cà Mau, những ngày qua, nhiều ổ dịch mới đồng loạt xuất hiện trong cộng đồng. Dịch bệnh diễn biến khó lường, tốc độ lây lan nhanh. Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Đầm Dơi. 101 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều ở cấp độ dịch từ vàng đến đỏ. Ngày 3.11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu nhận định tuy số ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã giảm nhiều so với 2 ngày trước đó, nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng cao. Tỉnh Bạc Liêu đã phải điều chỉnh một phần biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn theo cấp độ 4, cấp nguy cơ rất cao. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bạc Liêu đã tái lập nhiều chốt kiểm soát nhằm siết chặt, tăng cường các biện pháp sớm khống chế dịch bệnh lây lan.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tập, đầu tháng 11.2021, nhiều đoàn y tế từ các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã đến các tỉnh miền Tây tiếp sức chống dịch. Sáng 2.11, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã cử đoàn công tác gồm 12 y bác sĩ lên đường chi viện cho tỉnh Bạc Liêu. Đoàn đã mang theo các thuốc đặc trị Covid-19 và 14 loại trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đã cử lực lượng y tế do bác sỹ CKII Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện làm Trưởng đoàn đến chi viện cho tỉnh Sóc Trăng cùng nhiều trang thiết bị, vật tư phòng hộ, thuốc men. Trước đó, Đoàn công tác của Bệnh viện Trưng Vương đã lên đường đến tỉnh An Giang hỗ trợ bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang trong việc chăm sóc và điều trị các bệnh nhân thuộc tầng 3.

Cũng trong sáng 4.11, nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt triển khai tiêm vaccine ngừa Cocid-19 cho trẻ em từ 12- 17 tuổi. Tại Hậu Giang, các địa phương triển khai tiêm chủng diện rộng, đồng loạt tại những cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn. Mỗi điểm tiêm chủng thành lập từ 3-4 bàn tiêm hoặc có thể nhiều hơn. Các địa phương, đơn vị thành lập tổ báo cáo, tổ cập nhật mũi tiêm lên hệ thống phần mềm tiêm chủng Covid-19, thực hiện báo cáo kết quả tiêm theo biểu mẫu quy định... Trẻ em trong tỉnh Hậu Giang tiêm mũi 1 từ ngày 4-6.11 và mũi 2 dự kiến từ ngày 26-28.11. Ðiểm tiêm triển khai nơi trường học, trạm y tế và do trung tâm y tế quản lý.

TP Cần Thơ cũng có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em tại trường học, Trung tâm y tế các quận huyện, bệnh viện Nhi đồng và các bệnh viện có chuyên khoa nhi; thực hiện tiêm theo thứ tự giảm dần, ưu tiên trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch bệnh của địa phương.

Vũ Châu