Các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long tìm giải pháp hỗ trợ người lao động xa quê

- Thứ Ba, 27/07/2021, 21:28 - Chia sẻ
Nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa áp dụng biện pháp mạnh để dập dịch, vừa có kế hoạch đón người lao động từ TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương về tỉnh nhằm chia sẻ khó khăn trong công tác chống dịch tại các địa bàn nói trên.

Chiều 27.7, UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gởi các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thông báo về việc quy định thời gian ra đường theo tinh thần chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, kể từ 18h ngày hôm trước đến 5g sáng ngày hôm sau, người dân tuyệt đối không được ra đường trừ các trường hợp cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch, phòng chống thiên tai, cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo đài, lực lượng phát thư báo, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas, thời gian thực hiện áp dụng từ ngày 28.7 đến hết ngày 2.8.

UBND tỉnh Cà Mau họp bàn kế hoạch hỗ trợ người dân Cà Mau ở xa vượt qua đại dịch

Trước đó các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang cũng có quy định này, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng quy định thời gian người dân đi chợ mua hàng thiết yếu phải đảm bảo giãn cách, theo khung giờ của phiếu mua hàng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và không nằm trong khung giờ từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau như nêu trên.

Cùng với động thái này, nhiều địa phương thuộc các tỉnh ĐBSCL cũng có kế hoạch đón người lao động đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương trở về. Theo UBND TP. Cần Thơ để chủ động trong việc sắp xếp bố trí, UBND thành phố đã đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương hỗ trợ phân công cơ quan đầu mối lập danh sách các công dân là người Cần Thơ có nhu cầu về TP. Cần Thơ, tạo điều kiện xét nghiệm tập trung cho các công dân nêu trên trước khi về, bố trí địa điểm tập kết, tạo điều kiện để các công dân đến địa điểm tập kết và từ nơi tập kết ra khỏi TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Cần Thơ sẽ bố trí xe đến địa điểm tập kết do UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương chỉ định để đón công dân và đưa về khu cách ly tập trung tại thành phố Cần Thơ. Theo số liệu ban đầu, TP Cần Thơ có thể bố trí đón khoảng 1000 công dân từ hai địa phương nói trên .

Cũng trong ngày 27.7, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin về việc hỗ trợ công dân tỉnh Cà Mau đang ở vùng dịch ngoài tỉnh bị ảnh hưởng trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ông Hồ Việt Lắm - Trưởng Ban Liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tại TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: “Quan điểm của Ban Liên lạc không nên làm theo phong trào mà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện cụ thể. Đưa bà con về phải an toàn và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tránh tạo vùng dịch mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh xem xét không phải đưa tất cả người về tỉnh, mà chỉ tiếp nhận và giải quyết những trường hợp đặc biệt khó khăn”.

Ông Nguyễn Đức Thánh – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh Cà Mau đã có chủ trương và rất mong muốn đón công dân của tỉnh ở vùng dịch gặp khó khăn về quê. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất và năng lực của tỉnh chưa đáp ứng để thực hiện.

Nhiều địa phương hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ hàng ngày

Theo ông Thánh, số ca F1 đang cách ly tập trung tại tỉnh là gần 900 người, số cách ly tại nhà trên 2.500 người. Hiện nay số giường điều trị Covid -19 là 240 giường, 150 máy thở. Số giường để thực hiện cách ly tập trung của tỉnh là khoảng hơn 1.200 giường; trong khi hiện nay đã đưa vào cách ly khoảng 900 giường. Tỉnh hiện chỉ 2 cái máy xét nghiệm PCR, năng lực xét nghiệm mỗi ngày khoảng 1.000 ca.

Cũng theo ông Thánh, ở Cà Mau, số bà con đi lao động, học tập, trị bệnh ở ngoài tỉnh là rất đông. Theo thống kê, số bà con về quê ở Tết năm vừa qua là khoảng 230.000 người. Hiện số bà con còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng bà con mong muốn về quê là khoảng vài chục ngàn người, đa số nằm ở các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp. Trong khi điều kiện của tỉnh chỉ có khoảng hơn 1.000 giường cách ly tập trung và số giường điều trị của mình chỉ có hơn 240 giường.

“Hiện tại để xử lý hỗ trợ bà con thì trước mắt lãnh đạo tỉnh chủ trương thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ bà con. Qua đó cũng vận động bà con còn trụ được ở TP. Hồ Chí Minh thì cố gắng ở lại, hạn chế tối đa về quê. Trong tuần này sẽ triển khai hỗ trợ đợt 1 cho bà con. Từ đó hỗ trợ khó khăn trước mắt, ổn định tâm lý cho bà con”, ông Thánh thông tin.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành chủ động phối hợp với Ban liên lạc rà soát đối tượng khó khăn để hỗ trợ, nhất là những người đặc biệt khó khăn. Chủ động nắm bước này để tùy theo tình hình dịch bệnh và khả năng của tỉnh có hướng xử lý tiếp theo.

Vũ Châu