Cách nào hạn chế rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

- Thứ Ba, 31/08/2021, 17:17 - Chia sẻ
Nhằm hạn chế rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp,  Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài.
Trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

4 rủi ro chính

Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh nhìn nhận, trong 10 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ấn tượng cả chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm, nằm trong nhóm cao nhất khu vực châu Á; quy mô thị trường xấp xỉ 14% GDP. So với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các nước trong khu vực như Singapore (khoảng 30% GDP), Hàn Quốc (85% GDP)…, quy mô thị trường của Việt Nam khá nhỏ song so với khởi điểm sau 10 năm vận hành thì sự phát triển vẫn rất tích cực.

Không những thế, số lượng các danh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu ngày càng đa dạng và lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, 70% trái phiếu doanh nghiệp là của doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tài chính ngân hàng. Trong 3 năm qua, quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp lần đầu tiên vượt quy mô huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu chính phủ và vượt xa huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Lý giải sự phát triển này, ông Quỳnh cho rằng có đóng góp tích cực của nhà đầu tư cá nhân. Cùng với sự phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu ngày một tăng thêm. Hiện, tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng hơn 5 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh xu hướng lãi suất ngày càng giảm, hiểu biết về thị trường tài chính trong xã hội ngày một tăng, kéo theo nhu cầu đa dạng hoá loại hình đầu tư và tài sản đầu tư tăng lên. Đây là nhân tố quan trọng góp phần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân. Chủ tịch HĐQT FiinRatings Nguyễn Quang Thuân tóm lược trong 4 rủi ro chính. Trước hết là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn. Bên cạnh đó là rủi ro thanh khoản khi nhà đầu tư không thể dễ dàng bán trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được mức giá như kỳ vọng và phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn chịu rủi ro về định giá lãi suất, khi định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất. Còn một rủi ro khác về mua lại, tái đầu tư. Ngân hàng cam kết bảo lãnh, mua lại trái phiếu doanh nghiệp nhưng với giá nào, nếu theo giá thị trường mà khi đó giá thị trường về 0 thì nhà đầu tư sẽ chịu thiệt, ông Thuân chỉ rõ.

Nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu. Nguồn ITN
Nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu
Nguồn ITN

Nên chọn doanh nghiệp đã có thương hiệu

Các chuyên gia đánh giá, cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển vẫn còn, ngay cả khi chịu tác động của dịch Covid-19. “Phát hành trái phiếu nếu làm khéo sẽ trở thành kênh “cứu cánh” cho cho thị trường tài chính Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh nhận định.

Tuy vậy, rủi ro vẫn luôn song hành. Để phòng tránh rủi ro, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng. Đồng thời, cần đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí; hiểu về kết quả xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành…

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một rổ vì không có khoản đầu tư nào mà không có rủi ro. “Nếu chỉ đặt ở góc độ rủi ro rất dễ để tìm loại trái phiếu an toàn. Trong đó, nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài. Về phương thức phát hành nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt”, ông Quỳnh lưu ý.

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, vì trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn nên nhà đầu tư cá nhân không nên chỉ quan tâm lãi suất cao ở hiện tại mà phải tìm lối thoát cho các năm tới. Nói cách khác, trong giai đoạn nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhà đầu tư tránh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá mà phải có chọn lọc và cẩn trọng.

Minh Châu