Cải cách hành chính là tiền đề cho phát triển

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:58 - Chia sẻ
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn Hà Nội đã có những bước chuyển mình rõ rệt, được cử tri và nhân dân thủ đô ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho nhân dân.

Cải cách hành chính theo hướng trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu tại hội thảo "CCHC qua các thời kỳ - những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của TP Hà Nội", Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà khẳng định: Hiện nay, công tác CCHC đã được tiến hành từng bước, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn các khâu đột phá của từng giai đoạn trong quá trình đổi mới và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, quy trình nội bộ giải quyết công việc tại từng cơ quan, đơn vị được rà soát, cải tiến, đồng thời, chuẩn hóa toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở cả 3 cấp. Đồng thời, thành phố đã tập trung đầu tư đồng bộ, thống nhất hệ thống trang thiết bị, phần mềm cho các cơ quan từ thành phố đến xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung đổi mới, đẩy mạnh CCHC tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng các dịch vụ công
Ảnh: P.Long

"Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy định, chính thức triển khai áp dụng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã" - Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.

Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, thời gian qua Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các TTHC của cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng công khai các TTHC công, các dự án, quy hoạch; đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch trong giải quyết công việc với người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, mức độ thu hút đầu tư của thành phố trong những năm gần đây liên tiếp đứng đầu cả nước, được Trung ương đánh giá đạt kết quả cao.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Thành phố luôn xem CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá chiến lược, là một trong các chương trình công tác lớn của các nhiệm kỳ Đại hội xuyên suốt từ Đại hội XII Đảng bộ thành phố đến nay. Không thể đổi mới, cải cách kinh tế có hiệu quả nếu không đẩy mạnh CCHC. Còn PGS.TS Vũ Văn Hà, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: CCHC là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của các quốc gia, là khâu trọng yếu quyết định sự phát triển xã hội nói chung và sự tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế nói riêng.

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác CCHC, đặc biệt tinh thần đó càng được phát huy trong những ngày đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Điểm lại có thể thấy, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố cải thiện qua các năm và có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) liên tiếp xếp thứ hạng rất cao, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố (trong 3 năm 2017, 2018, 2019) so với năm 2015 xếp thứ 9/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012 (thuộc top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất).

Đáng chú ý, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) tiếp tục đạt trên 80%, đạt mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Đặc biệt, thành phố là một trong những địa phương tiên phong vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, có tỷ lệ dịch vụ công mức 3, mức 4 đạt 97%.

"Do Hà Nội là thành phố tập trung đông dân cư nên việc điều hành, xây dựng thành phố thông minh, thành phố sáng tạo đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhất là trong công tác CCHC. Những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, khách mời tại hội thảo sẽ góp phần vào công cuộc cải cách thành phố phát triển tốt hơn" - ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Nguyên Khôi