Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ

Cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:31 - Chia sẻ
Sáng nay, 23.2, trong Phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, Chính phủ đã có một nhiệm kỳ thành công ở nhiều phương diện, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”. Dù vậy, từ thực tiễn thẩm tra, giám sát, các cơ quan của Quốc hội cũng lưu ý, cần đánh giá thấu đáo hơn những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới.

Đột phá, dám nghĩ, dám làm

Một báo cáo dày dặn (gần 60 trang), đánh giá cụ thể kết quả điều hành trong các lĩnh vực của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, Chính phủ chỉ rõ: Với phương châm xuyên suốt “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh Chính phủ luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, sáng tạo, kiên định, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; vừa nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, căn cơ trong trung và dài hạn.

Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhờ đó, dù “gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thêm thành quả 35 năm đổi mới của đất nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin vững chắc vào những giá trị truyền thống, bản lĩnh, khí phách, ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của dân tộc ta; vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo nguồn lực và động lực mới để tiếp tục đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững”, Chính phủ khẳng định.

Nhận định của Chính phủ nhận được sự chia sẻ, đồng thuận rất cao của các cơ quan của Quốc hội. Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh yếu tố “không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, Chính phủ đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. “Nhìn chung, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhiệm kỳ qua và thấy rằng nhiều kết quả đã được lượng hóa, thể hiện rõ thành các chỉ tiêu, số liệu hết sức cụ thể trong Báo cáo, ví dụ như tăng trưởng xếp hạng về môi trường kinh doanh; năng lực cạnh tranh; chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam...”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.  

Đánh giá hoạt động của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực như: Mô hình tăng trưởng đã dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được từng bước nâng lên; cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch đúng hướng và tích cực, tỷ trọng của ngành khai thác khoáng sản giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tiếp tục là động lực tăng trưởng. Nông nghiệp phát triển bền vững hơn, cơ cấu nông nghiệp thay đổi tích cực, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách được tăng cường, cơ cấu thu bền vững hơn; việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra; bội chi ngân sách, chỉ tiêu an toàn nợ được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm; nợ xấu được xử lý, kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3%. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt theo quy luật của thị trường nhưng có trọng tâm; chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm.

Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh (từ 38,7% năm 2015 lên khoảng 45,7% năm 2020); vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tăng mạnh, vốn đăng ký đạt mức kỷ lục 39 tỷ USD (năm 2019); hiệu quả đầu tư được cải thiện, hệ số ICOR giảm. Môi trường kinh doanh được cải thiện, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7 lần; cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa chuyển từ thâm hụt sang thặng dư cuối kỳ 5 năm, đặc biệt trong năm 2020 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD...

Nhiều tồn tại chưa được khắc phục triệt để

Dù vậy, bên cạnh những kết quả rất tích cực, rất đậm nét ấy, Thường trực các cơ quan của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Bên cạnh 6 “gạch đầu dòng” về các tồn tại, hạn chế được nêu sơ lược trong Báo cáo của Chính phủ, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để trong nhiệm kỳ này. Đơn cử như tính dự báo trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao; việc đề nghị điều chỉnh chương trình còn nhiều, trong đó không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; còn tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật chia sẻ quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế khi chỉ rõ, nội dung về tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Chính phủ còn dàn trải, chưa được thể hiện theo các nhóm vấn đề gắn với các mặt công tác, nội dung chủ yếu mang tính liệt kê mà thiếu phân tích, số liệu chứng minh. Phần nguyên nhân của tồn tại, hạn chế cũng tương đối khái quát, nhất là về nguyên nhân khách quan; đối với các nguyên nhân chủ quan cũng chưa gắn với bộ, ngành, địa phương, cá nhân cụ thể để xác định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện nội dung này, đánh giá cụ thể, đầy đủ hơn những mặt tồn tại, hạn chế tương ứng trong từng nhóm nhiệm vụ. “Nội dung đánh giá cần gắn với chất lượng công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các cấp chính quyền địa phương trong từng lĩnh vực”, Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý.

Thường trực Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn các thách thức, khó khăn đã và đang đặt ra trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung đã cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Trong đó có những thách thức rất cơ bản như: Việc duy trì khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ trong thị trường nội địa; nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu của các nước đối tác; khả năng hấp thụ của nền kinh tế và định hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dưới tác động của các FTA thế hệ mới vào các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên; việc sửa đổi hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế để thực thi các cam kết trong các FTA, đặc biệt trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA...

Những kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách như nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoàn toàn có thể đo đếm, lượng hóa được bằng những con số cụ thể, bằng vị thế và uy tín quốc gia đã được quốc tế công nhận. Nhưng ở thời điểm này, nhìn nhận lại, đánh giá một cách khách quan, chuẩn xác những tồn tại, hạn chế, phân tích thấu đáo nguyên nhân, sẽ giúp Chính phủ đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục chỉ đạo, điều hành đất nước vững vàng phát triển trong nhiệm kỳ tới - nhiệm kỳ được dự báo môi trường khu vực và quốc tế sẽ còn có những diễn biến phức tạp và khó lường hơn nữa, trong khi mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước được Đảng ta đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đòi hỏi phải đạt được những kết quả vững chắc ngay từ nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Nguyễn Bình