Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19:

Cải cách thủ tục hành chính - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

- Thứ Hai, 08/11/2021, 15:17 - Chia sẻ
Nhìn nhận cải cách thủ tục hành chính như một giải pháp quan trọng, động lực to lớn thúc đẩy phát triển KT-XH, trong phiên thảo luận chiều nay, 8.11, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Chính phủ bổ sung và nhấn mạnh giải pháp này vì 7 lý do.
 ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính tuy là một nội dung của cải cách hành chính nhưng là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy. Việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Thứ ba, thông qua thủ tục cải cách hành chính có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng bộ máy phù hợp và có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đáp ứng yêu cầu của Đảng về tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các nội dung cải cách khác như nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức. Phân cấp, phân quyền, phân công giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số.

Thứ năm, thông qua cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ những rào cản đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu. Đồng thời, tăng thu, giảm chi, nhất là giảm chi cho bộ máy hành chính và giảm chi cả chính thức và phi chính thức cho người dân và doanh nghiệp. Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, riêng việc cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội đã tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Kết quả này càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tập trung nguồn lực cho phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính góp phần ngăn chặn 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng ta và chế độ ta, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về văn hóa, xã hội, tham nhũng, lãng phí nguồn lực. Từ đó, nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung, các bộ, ngành, địa phương nói riêng trước cộng đồng trong nước và quốc tế. Đây là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tác động tích cực đến đầu tư trong và ngoài nước, xuất nhập khẩu, việc làm và an sinh xã hội.

Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước, một số cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra. Còn hiện tượng yêu cầu thêm nhiều giấy tờ không được quy định trong bộ hồ sơ khi giải quyết các thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến một số lĩnh vực.

“Để phát huy vai trò quan trọng của cải cách thủ tục hành chính, khắc phục những hạn chế, yếu kém như đã nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ bổ sung và nhấn mạnh những giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội”, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương

Cũng liên quan đến động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nhưng ở góc độ cơ chế, thể chế, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) nêu rõ, để tạo điều kiện cho một tỉnh, thậm chí là cả một vùng có thêm động lực phát triển KT-XH nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đặc biệt về các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, đầu tư.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có những quy định thật sự là trở ngại cho địa phương trong quá trình phát triển. Cụ thể, Luật Lâm nghiệp quy định HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ dưới 20 ha, dừng sản xuất dưới 50 ha và không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt. Tại Nghị định số 83 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156, Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác quy định tại khoản 2, Điều 14 Luật Lâm nghiệp.

Như vậy, theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ không phân biệt diện tích. Đối với các tỉnh miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông không tránh khỏi việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng tự nhiên. Thời gian thực hiện thủ tục kéo dài qua nhiều bộ, ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư, vượt thời gian thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh về nội dung này như sau: Đối với các công trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, giao HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác không phân biệt quy mô diện tích. Đối với các công trình, dự án khác giao HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên dưới 20 ha.

Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, là năm kéo dài thời gian thời kỳ ổn định ngân sách, chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, còn lại 47 tỉnh phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước hạn hẹp và dự báo khả năng dư địa tăng thu ở địa phương không nhiều, nên ngân sách trung ương tiếp tục phải hỗ trợ các địa phương chưa thể tự cân đối ngân sách. Do đó, cần chủ động cân đối, bảo đảm tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước. Ngân sách trung ương đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương được khẳng định, được thực hiện nghiêm túc và chủ động của ngân sách địa phương hiệu quả, an toàn và bền vững, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, quán triệt phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Khuyến khích liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong thúc đẩy phát triển vùng. Đồng thời, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để phân định rõ hơn quyền và trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, qua đó tăng tính chủ động và trách nhiệm của địa phương.

Quang Khánh