Sổ tay:

Cải cách thực chất

- Thứ Ba, 01/06/2021, 06:32 - Chia sẻ
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, đại diện doanh nghiệp và nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng: Dự thảo cần bám sát các định hướng đổi mới, phương án cải cách như: cơ chế áp dụng một cơ quan đầu mối, quản lý rủi ro; ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu… được thể hiện tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo khẳng định của cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự thảo (Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan) thì Dự thảo hướng tới việc cắt giảm 5 loại giấy tờ so với quy định tại Nghị định 154/2018/NĐ-CP; tích hợp các chứng từ trong bộ hồ sơ để doanh nghiệp không phải nộp trùng lặp các chứng từ chuyên ngành. Đặc biệt, đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ nếu lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên 5% (còn lại 95% hàng hóa chỉ phải đăng ký kiểm tra).

Tuy nhiên theo góp ý của nhiều doanh nghiệp, các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình thủ tục của một số thủ tục hành chính như: Kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm, đăng ký bản công hợp quy, tự công bố sản phẩm… có kết cấu chưa hợp lý, chưa rõ về trình tự, cách thức, đối tượng thực hiện. Đơn cử, Khoản 2, Điều 10 chưa rõ về thời gian cấp thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, về trình tự cấp dấu hợp quy, về việc lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp; hay quy định tại Chương V về Trình tự, thủ tục đối với hàng hoá vừa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý thì Dự thảo chưa quy định rõ cá nhân, tổ chức sẽ thực hiện với một đầu mối, một bộ hồ sơ hay với 2 quy trình khác nhau; trường hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia xảy ra sự cố nêu tại Chương II thì cơ quan nào tiếp nhận và giải quyết theo trình tự, cách thức như thế nào...

Hoặc, Khoản 1, Điều 3 Dự thảo đề xuất: các mặt hàng giống hệt nhau, nếu đáp ứng một số tiêu chí như: có 3 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra chặt hoặc thông thường thì áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hoặc kiểm tra giảm. Tuy nhiên, các quy định này chưa rõ về trách nhiệm đối với các doanh nghiệp liên quan khi xảy ra sự cố: mặt hàng không đáp ứng quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm mà nguyên nhân do nhà nhập khẩu thì các nhà nhập khẩu khác đang tuân thủ tốt có tiếp tục được áp dụng kiểm tra theo phương thức thông thường như đã được được áp dụng trước đó không.

Ngoài việc chưa rõ, hoặc chưa tính hết được các sự kiện pháp lý xảy ra, thì một số quy định về thủ tục hành chính tại Dự thảo chưa bảo đảm tính thống nhất. Đơn cử, Điểm b Khoản 1, Điều 36 quy định doanh nghiệp được quyền lựa chọn tổ chức chức chứng nhận sự phù hợp. Tuy nhiên ngoại trừ trường hợp thủ tục thực hiện theo quy trình kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm (kiểm tra bằng hồ sơ) thì trường hợp kiểm tra chặt, cơ quan kiểm tra là đơn vị lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp chỉ được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với trường hợp thực hiện thủ tục chứng nhận hợp quy. Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng Dự thảo cần làm rõ một số nội dung như phạm vi áp dụng, các trường hợp miễn kiểm tra…; bổ sung một số nguyên tắc kết nối, tích hợp, đồng bộ, chia sẻ trong xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí.

Phạm Hải