Chuyển đổi số trong hợp tác xã

Cái khó "bó" cái khôn

- Thứ Hai, 29/03/2021, 06:00 - Chia sẻ
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, tuy vậy, quá trình này trong khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đang diễn ra rất chậm bởi nguồn lực tài chính hạn chế, trình độ quản lý yếu kém…

Chuyển đổi chậm

Liên minh HTX Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2020 cả nước có 26.040 HTX, trong đó có 16.953 HTX nông nghiệp (chiếm 61%) còn lại là các HTX phi nông nghiệp. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54%. Có được kết quả này một phần nhờ vào các hoạt động đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật nói chung và công nghệ số nói riêng.

Nguồn: ITN

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số diễn ra còn rất chậm với quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao, đơn giản. Đầu năm 2020, Trung tâm Khoa học, công nghệ và môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) khảo sát tại 422 HTX ở 21 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế, sản xuất - kinh doanh 5 ngành thủ công mỹ nghệ có kim ngạch xuất khẩu cao (mây tre đan; dệt may, thêu ren; đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ; gốm sứ; giấy).

Kết quả cho thấy chỉ có gần 60% HTX sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và ứng dụng, đổi mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số còn lại chưa sẵn sàng do không đủ điều kiện về tài chính, đất đai nhà xưởng và năng lực vận hành. Khoảng 45% HTX sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán và một số phần mềm phục vụ sản xuất kinh doanh như phần mềm chạy máy CNC cho các sản phẩm đồ gỗ, mây tre…), nhưng cũng chỉ có khoảng gần 40% HTX có máy tính kết nối internet.

Đối với khu vực HXT nông nghiệp, kết quả khảo sát theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên 150 HTX vào giữa năm 2020 cho thấy, chỉ có khoảng 32% (48/150) HTX sử dụng máy tính để bàn nhằm phục vụ công tác kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường. Trong đó, 39 HTX có máy tính được kết nối internet và 4 HTX có trang web để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Nhìn chung, các kỹ năng về thương mại điện tử; tìm kiếm, đánh giá và quản lý thông tin; truyền thông số; ứng dụng mô hình kinh doanh mới... của HTX đều chỉ đạt mức độ trung bình.

Lý giải điều này, đại diện Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, do nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật còn thấp. Rào cản lớn nhất là “trình độ cán bộ quản lý HTX yếu kém, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế”. Minh chứng là chỉ có 14 - 21% cán bộ quản lý HTX thủ công mỹ nghệ được đào tạo qua bậc đại học, hầu hết ở trình độ sơ cấp và trung cấp. Lực lượng lao động tại các HTX này chủ yếu làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ. Với HTX nông nghiệp, tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ đại học chỉ chiếm 1,5%; trung cấp và cao đẳng chiếm 26%, còn lại chưa qua đào tạo nghề. Lực lượng lao động nhìn chung không chỉ thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc mà còn thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh…

Tỉnh Hòa Bình hiện có trên 70% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng. "Năng lực tài chính eo hẹp như vậy rất khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần An Định nói. Mặc dù internet đã tăng khả năng tiếp cận thông tin của các HTX song mới tập trung ở bộ phận cán bộ quản trị trẻ, được đào tạo chuyên nghiệp, trong khi đó tỷ lệ cán bộ quản trị HTX chưa khai thác các tiện ích công nghệ thông tin còn cao dẫn khả năng tiếp cận công nghệ, thị trường rất thấp.

Chuyển đổi số cần phù hợp hạ tầng, nhân lực

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, các HTX muốn tồn tại, phát triển không thể đứng ngoài cuộc.

Theo các chuyên gia, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Các HTX phải tập trung giải quyết khó khăn về “nguồn vốn quản lý”, tức là tập trung vào kỹ năng về marketing, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao... theo từng bước để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực..., tránh “lệch pha” giữa công nghệ và khả năng vận dụng. Do đó, chuyển đổi số có thể đơn giản là số hóa, website, thương mại điện tử hoặc đơn thuần là chuyển từ lao động tay chân sang tự động hóa...

Một trong những rào cản khiến HTX chậm chuyển đổi số là do nguồn lực tài chính có hạn. Do vậy, TS. Phạm Minh Điển, Ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất cần tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao. Về phía HTX cần chủ động tự đổi mới, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị HTX, đặc biệt là người đứng đầu HTX…

Đại diện Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, thời gian tới sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ HTX thúc đẩy chuyển đổi số, như: Triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, trong đó xây dựng triển khai một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Lồng ghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX, trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, chỉ đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phối hợp, huy động nguồn lực của địa phương để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động tham quan, học tập mô hình chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, HTX…

Đan Thanh