10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp

Cải thiện hiệu quả bằng công nghệ

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:49 - Chia sẻ
Nhiều đầu mối, nhiều loại thông tin cung cấp; việc cập nhật thông tin lên Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn chậm, đặc biệt cơ quan chức năng không có cơ sở đối chiếu tính chính xác của các thông tin trên Phiếu Lý lịch tư pháp… là những vấn đề nổi lên sau 10 năm Luật Lý lịch tư pháp đi vào cuộc sống.

Lắm đầu  mối, nhiều thông tin

Việc quy định gần 100 loại thông tin cung cấp cho Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp do nhiều cấp (từ trung ương đến cấp xã) trong quá trình xác lập Phiếu Lý lịch tư pháp là vướng mắc lớn nhất trong quá trình tổ chức thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan có trách nhiệm. Vì quy định số loại thông tin nhiều, nên số lượng thông tin được cung cấp chưa đầy đủ, kịp thời và có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng thông tin được cung cấp với số lượng thông tin do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhận được.

Trong khi đó, hình thức thông tin được cung cấp chậm được đổi mới, hầu hết thông tin được cung cấp trong thời gian qua vẫn dưới dạng văn bản giấy qua đường bưu điện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp trao đổi thông tin chậm triển khai, chưa kết nối cụ thể; việc xây dựng, tích hợp, chia sẻ, rà soát thông tin giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau chưa được thực hiện nhất là trao đổi, cung cấp giữa các cơ quan liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an…

Đáng lưu ý, số lượng lập lý lịch tư pháp còn hạn chế và đang có xu hướng ngày càng giảm về số lượng. Trong 10 năm qua, mặc dù các cơ quan trong ngành tư pháp đã nhận được trên 8 triệu bản nhưng mới chỉ xử lý lập được số lượng bản lý lịch tư pháp không đáng kể (886.234 bản). Các địa phương đã có tình trạng giảm dần về số lượng lý lịch tư pháp lập được, cụ thể: 63 Sở Tư pháp trong năm 2018 lập 105.402 bản lý lịch tư pháp, năm 2019 lập 82.887 bản lý lịch tư pháp (giảm 21%); 8 tháng năm 2020 lập được 53.223 bản lý lịch tư pháp (giảm 11% so với cùng kỳ năm trước)…

Phản ánh từ các địa phương cũng cho thấy, phần mềm dùng chung đã lạc hậu nên chất lượng cũng chưa được bảo đảm. Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử được tạo lập vẫn còn có sai sót, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, đầy đủ đã phần nào gây ảnh hưởng đến chất lượng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lý lịch tư pháp  

Nguồn: ITN 

Khó bó khôn

Tính đến ngày 31.6.2020, 63 Sở Tư pháp và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận được trên 8.374.000 thông tin lý lịch tư pháp. Các Sở Tư pháp đã nhận được trên 6.500.000 thông tin lý lịch tư pháp (78%), Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nhận 1.873.975 thông tin lý lịch tư pháp (chiếm 22%). Ngoài ra, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp còn nhận được gần 778.576 thông tin về hộ tịch.

Để tiếp nhận và xử lý thông tin bảo đảm tiến độ quy định thì vấn đề nhân lực và kinh phí phải đáp ứng đầy đủ, nhất là về vấn đề nhân lực có yếu tố quyết định. Tại các địa phương, biên chế cho công tác lý lịch tư pháp đã rất hạn chế thì nhân lực cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói riêng càng hạn chế hơn. Đa số các Sở Tư pháp chỉ có 1 biên chế được bố trí làm công tác này; có địa phương được bố trí trên 10 biên chế cho công tác lý lịch tư pháp thì tập trung hết cho công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Kinh phí đặc thù tại các địa phương để chi cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quá hạn chế, gần như không có. Trong khi đó, thì kinh phí trích lại từ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp không đáng kể. Hiện nay, đa số các địa phương chỉ hỗ trợ bằng hình thức làm thêm giờ, bồi dưỡng thêm... nhưng cũng rất hạn chế và thực chất gần như không hỗ trợ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tình trạng này dẫn đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp rất khó khăn.

Điều này trở nên khó khăn hơn khi mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Các Sở Tư pháp sử dụng phần mềm dùng chung còn nhiều lúng túng; nhiều Sở Tư pháp không quản lý, nắm bắt được thực trạng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên phần mềm dùng chung của Sở Tư pháp hiện nay. Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin còn rất khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp...

Trong bối cảnh, việc giải quyết những vấn đề “muôn năm cũ” như ngân sách, nguồn nhân lực… dường như là câu chuyện dài hơi, thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa hoạt động xây dựng, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Bởi, giải pháp này không chỉ giảm gánh nặng biên chế, tài chính cho các Sở Tư pháp, mà còn bảo đảm được sự chính xác của các thông tin lý lịch tư pháp.

Đình Khoa