Cải thiện và nâng cao đời sống người có công

- Thứ Tư, 09/12/2020, 08:28 - Chia sẻ
Tại Phiên họp thứ 51 khai mạc sáng nay, 9.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Việc hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án pháp lệnh này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với người có công, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.

Rất cần thiết và lâu dài

 Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) (Dự thảo Pháp lệnh) đã được cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một trong những quan điểm được đánh giá cao của dự thảo pháp lệnh đó là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng chính là “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”, “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công”. Nhiệm vụ này được coi là ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội. Thể hiện sự nhất trí với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoàn thiện các chính sách ưu đãi người có công là nhiệm vụ rất cần thiết và lâu dài. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc sửa đổi pháp lệnh thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với người có công.

Dự thảo pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều điểm mới, làm rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ai có công với cách mạng đều được tôn vinh, ghi nhận, khen thưởng và hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, Điều 4 về giải thích từ ngữ dự thảo pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 47 vẫn chỉ xác định người có công với cách mạng là công dân Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách và gây lúng túng trong nhiều trường hợp. Vì thế, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo pháp lệnh cần bổ sung điều khoản đối với người có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam và giao Chính phủ quy định, bảo đảm cơ sở để thực hiện nhất quán chính sách này.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm, tặng quà mẹ liệt sỹ Phạm Thọ Vân tại thị trấn Mộc Châu, Sơn La tháng 11.2020  

Ảnh: Q. Khánh 

Tư duy mở hơn, thực tế hơn

Đặt dự thảo pháp lệnh trong tình hình mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, cách mạng không có nghĩa là chỉ trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc trước đây mà trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, chúng ta cũng có những người có công với đất nước, những cán bộ, chiến sỹ hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn Nhân dân... Vì thế, “trong tư duy, chúng ta cũng phải mở hơn và thực tế hơn”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu thực tế, những người có công với cách mạng trước năm 1945, tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến hiện nay đã dần dần ít đi, bây giờ nhiều nhất là thân nhân (cha mẹ cũng không còn mà chủ yếu là các con, thậm chí các cháu). Nhưng trong giai đoạn hiện nay, xuất hiện rất nhiều gương điển hình, những tấm gương người có công đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước. Do đó, cần rà soát lại để tính toán thêm. Những tấm gương dũng cảm, đặc biệt dũng cảm có thể được công nhận là liệt sỹ, cũng có thể được công nhận là thương binh, song phải có quy định rất cụ thể. Ví dụ, các đồng chí đặc biệt dũng cảm trong việc cấp bách, nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục thì ở cấp nào mới được công nhận là người có công. Như vậy sẽ nâng tầm pháp lệnh.

Chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri, Nhân dân nói chung và người có công nói riêng. Có nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo Pháp lệnh phải thể chế hóa được nội dung của Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đó là “bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Muốn vậy, Chính phủ phải làm rõ thước đo “mức sống trung bình”, phạm vi “nơi cư trú”, thời gian của “điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ” để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, “phải rà soát chặt chẽ, vấn đề không chỉ là trợ cấp mà còn là tôn vinh. Nếu tôn vinh không đúng, thì cũng có tác động ngược”.

Bên cạnh đó, tăng ngân sách để thực hiện chế độ cho người có công phải phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ. Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, khi tăng mức chế độ chính sách phải tính toán nguồn lực ngân sách sẽ đáp ứng được bao nhiêu để tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng ngân sách lại không đáp ứng được. Do vậy, báo cáo đánh giá tác động cần nhìn tổng thể hơn.

Dự thảo pháp lệnh cũng bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định hiện hành thì ngân sách phải chi ở khoảng 16 - 17 tỷ đồng, song phải tính hết thêm những đối tượng khác sẽ như thế nào. “Chúng ta đang triển khai kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính trung hạn thì phải tính hết được những vấn đề đó để chủ động ngân sách”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Anh Thảo