Cân bằng lợi ích giữa các bên

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 17:17 - Chia sẻ
Nguyễn Đại Thắng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Theo quy định tại mục b, khoản 2 Điều 19 của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng, không bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua hợp đồng bảo hiểm. Quy định này gây bất lợi cho người mua bảo hiểm, nên cân nhắc để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật, cân bằng lợi ích giữa các bên.

Sau khi nghiên cứu nội dung Tờ trình của Chính phủ cùng dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng tốt hơn các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật, tôi tham gia một số ý kiến.

Tại khoản 1, Điều 15 của dự thảo quy định: Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản; cũng tại khoản 2, Điều 15 của dự thảo quy định: Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm và các hình thức dân sự phù hợp khác. Trong khi đó, khoản 1 Điều 119 Bộ Luật dân sự quy định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Như vậy, đối chiếu cùng với Điều 119 Bộ Luật Dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật liên quan như: Bộ Luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp,… nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đối với nội dung Hợp đồng bảo hiểm, tôi tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi nhất trí cao với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nội dung quy định tại khoản 2, Điều 16 của dự thảo: Phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung về điều khoản loại trừ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm là chưa hợp lý, gây khó cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Đặc biệt đối với các hình thức bán bảo hiểm qua phương tiện điện tử hoặc các sản phẩm bảo hiểm đơn giản như du lịch, xe máy…

Thứ hai, tại khoản 3, Điều 16 của dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý (trường hợp này đang được quy định trong Luật hiện hành). Mục đích của các cá nhân khi mua bảo hiểm là để được bù đắp những tổn thất, khắc phục thiệt hại, rủi ro ngẫu nhiên. Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 16 dự thảo Luật, trong trường hợp mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, ví dụ chủ xe cơ giới vô ý vi phạm pháp luật thì sẽ bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ lý do tại sao lại loại bỏ trường hợp “vi phạm pháp luật do vô ý” đang được quy định trong Luật hiện hành.

Thứ ba, theo quy định tại mục b, khoản 2 Điều 19 của dự thảo, trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng, không bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua hợp đồng bảo hiểm. Quy định này gây bất lợi cho người mua bảo hiểm, vì trên thực tế phạm vi về nghĩa vụ kê khai rất đa dạng, trong đó có nhiều trường hợp mặc dù khai không đầy đủ nhưng không ảnh hưởng đến đối tượng, nội dung hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, nếu quy định như trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm có thể lạm dụng quy định để gây khó khăn, thậm chí từ chối chi trả bồi thường cho khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đề nghị nên nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm tính chặt chẽ của pháp luật, cân bằng lợi ích giữa các bên.

Thứ tư, tại khoản 2, Điều 39 dự thảo Luật quy định: Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi, hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ có thể chỉ định người thụ hưởng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 13, Điều 3 dự thảo Luật: Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhóm.

Như vậy, khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật quy định người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ có quyền chỉ định người thụ hưởng là chưa phù hợp với quy định tại khoản 13, Điều 3 Dự thảo Luật, quyền này thuộc về người mua bảo hiểm. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi lại quy định tại khoản 2, Điều 39 như sau: Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng.

CTV