Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ:

Cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ quy hoạch sử dụng đất

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 18:14 - Chia sẻ
Chiều 29.10, tại điểm cầu Cần Thơ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa chủ trì phiên thảo luận tổ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Kế hoạch này nhằm tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 1.11.2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm tập trung nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém và tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện các Bộ, ngành chức năng cần kế thừa tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu từ giai đoạn trước đang phát huy được hiệu quả, đồng thời cần tách thành nhiệm vụ cụ thể để thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới trong kế hoạch. Trong đó, có các nhiệm vụ nổi bật như: cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cấp chuỗi giá trị các ngành, phát huy vai trò đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Tại mỗi nhiệm vụ cần nêu mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp thật sự cụ thể, nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trên thực tế đối với các ngành, lĩnh vực được đề cập.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ thảo luận ở tổ chiều 29.10

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế như: Hiệu quả đầu tư công chưa cao, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn nhiều bất cập, lãng phí, tình trạng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Chuyển dịch cơ cấu các ngành cũng như thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm, chưa thực sự là động lực để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh. Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn, thiếu cân đối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, mới tập trung chủ yếu vào đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, kết nối còn hạn chế là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng chi phí vận tải logistics... Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới.

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhất trí cao với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch này nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; đề nghị việc xây dựng các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 thực chất, hiệu quả hơn. Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, cần nghiên cứu, cân nhắc mục tiêu “Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn” vì trong thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, năng lực tài chính của doanh nghiệp đã bị suy giảm đáng kể.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị bổ sung nhiệm vụ, giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng. Đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng, đầu tư nâng cấp cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không trọng điểm. Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển. Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... 

Về dự kiến quy hoạch sử dụng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị tiếp tục rà soát để việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến việc tổ chức và thực hiện thiếu hiệu quả và khả thi.

Đại biểu đề nghị cần quan tâm bổ sung nội dung cụ thể về vấn đề liên kết vùng, liên kết tỉnh, thành, nhất là việc kết nối giao thông, đô thị, công nghiệp dịch vụ các tỉnh vùng ven biển trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Quan tâm quy định linh hoạt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao quyền cho địa phương quản lý để kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp yêu cầu phát triển; xây dựng kế hoạch phục hồi lại các vùng đất đang bị suy thoái, sa mạc hóa, đang bị đầu độc và mất dần độ phì nhiêu do thiên tai và nhân tai; phương án sử dụng đất cần gắn với biến đổi khí hậu; sớm bổ sung các quy định phù hợp tình hình mới để có cơ chế, chính sách tài chính về đất đai hiệu quả, khắc phục tình trạng “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ” trong việc quy hoạch, sử dụng đất gây lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng tài nguyên đất đai. 

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2010 - 2020 và đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; phương pháp lập quy hoạch chưa dựa trên công nghệ tiên tiến, hiện đại. Dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa sát với thị trường, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Các quy hoạch có sử dụng đất như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng,... được lập thiếu đồng bộ, một số quy hoạch thường xuyên điều chỉnh, thiếu ổn định, chưa tạo thành hệ thống đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia để quản lý, sử dụng đất một cách hiệu quả. Việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa kịp thời, quản lý chưa nghiêm; còn tình trạng dự án treo gây lãng phí nguồn lực đất đai. Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; phương pháp lập quy hoạch chưa dựa trên công nghệ tiên tiến, hiện đại. Dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa sát với thị trường, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Các quy hoạch có sử dụng đất như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng,... được lập thiếu đồng bộ, một số quy hoạch thường xuyên điều chỉnh, thiếu ổn định, chưa tạo thành hệ thống đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia để quản lý, sử dụng đất một cách hiệu quả. Việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa kịp thời, quản lý chưa nghiêm; còn tình trạng dự án treo gây lãng phí nguồn lực đất đai. Khi quy hoạch sử dụng đất có sự điều chỉnh thì bắt buộc quy hoạch chuyên ngành phải có sự thay đổi, đồng thời quy hoạch mới chuyên ngành phải căn cứ quy hoạch sử dụng đất, do đó quy hoạch chuyên ngành thường có độ trễ, thậm chí không đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, khó triển khai các dự án,... Vì vậy, Nghị quyết cần chỉ đạo căn cứ quy hoạch sử dụng đất thì các Bộ, ngành cần nhanh chóng trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh ngay quy hoạch chuyên ngành để thống nhất thực hiện, giảm bớt độ trễ, tránh có mâu thuẫn.

Vũ Châu