Di dời cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô Hà Nội

Cần chế tài mạnh

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 09:50 - Chia sẻ
Cách đây hơn 6 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg yêu cầu TP Hà Nội xây dựng biện pháp, lộ trình, sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nội thành.

Vậy nhưng theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện mới có chưa đến 10 sở, ngành của thành phố di dời trụ sở làm việc trong nội đô sang khu liên cơ quan Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Đặc biệt, trong số 9 bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới, chỉ có một bộ bàn giao lại trụ sở cũ; trong 4 quận trung tâm, có 26 trường đại học thì chỉ duy nhất một trường thực hiện di dời. Về các cơ sở gây ô nhiễm, năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành nhưng cũng chỉ di dời được gần 70 cơ sở...

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ di dời các cơ sở ô nhiễm là do thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện; sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao...

Việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan đơn vị hành chính ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm là cần thiết nhưng thực tế nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chây ỳ, không thực hiện với rất nhiều lý do. Như trong Báo cáo số 242/BC-UBND, tổng hợp trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội Khóa XVI là bởi trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, bất cập dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm, khó khăn trong việc xác định tiêu chí, thẩm quyền để đảm bảo đúng đối tượng đưa vào danh mục đề xuất di dời.

Ngoài ra, việc sắp xếp, di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhưng còn một số điểm chưa thống nhất, cụ thể như thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định 130 là Thủ tướng nhưng Nghị định 167 quy định Thủ tướng quyết định việc di dời do ô nhiễm môi trường và UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch.

Ngoài ra, còn có lý do nữa là chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch. Nhiều cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch, không thống nhất đưa vào danh mục di dời theo quy định của Luật Đất đai; danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời chưa được bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do đó, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai; có ý kiến về tiêu chí xác định cơ sở sản xuất công nghiệp theo quy định tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg...

Chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô Hà Nội là đúng. Thế nhưng với những gì đang diễn ra, cần thiết phải có cơ chế đủ mạnh. Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, đã được hỗ trợ với lộ trình cụ thể, rõ ràng.

Khương Ninh