Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030:

Cần chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình quyết liệt hơn

- Thứ Hai, 13/09/2021, 18:49 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên họp chiều nay, 13.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiến độ chương trình chưa đạt yêu cầu đề ra và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình quyết liệt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình bị kéo dài hơn so với kế hoạch

Tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sau hơn một năm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được Quốc hội giao tại Điều 2 Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức thực hiện và hoàn thành 3/5 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện. Cụ thể: hoàn thành việc tổ chức tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình mục tiêu làm cơ sở đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; hoàn thành việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi của Chương trình. Về xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình, Chính phủ đã hoàn thành việc xây dựng tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển cũng như việc xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình, tiến độ triển khai thực hiện thời gian vừa qua Chính phủ đánh giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản như: chậm ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch công tác năm 2021 của Ban chỉ đạo đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14.7.2020; tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình bị kéo dài hơn so với kế hoạch đề ra; chậm chễ trong việc tổng hợp, xác định và cân đối nguồn lực cho nội dung ưu tiên, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình.

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh những nội dung cơ bản về kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân triển khai thực hiện Chương trình. Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình trong thời gian tới. Về công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, Thường trực Hội đồng Dân tộc nhận thấy hoạt động của Ban chỉ đạo còn hạn chế nhất định. Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo sau một năm mới có Quyết định thành lập, chương trình công tác năm 2021 tới tháng 7.2021 mới ban hành. Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chậm làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Chương trình. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình chưa thực sự hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến Quyết định đầu tư Chương trình chưa được phê duyệt.   

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm 
Ảnh: Hồ Long

Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí Báo cáo của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình thời gian qua. Các Bộ, ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương để triển khai thực hiện Chương trình. Ủy ban Dân tộc (cơ quan chủ trì Chương trình) chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chương trình theo đúng tiến độ, nhất là việc chậm trễ trong quá trình tham mưu xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quản lý, điều hành, triển khai, kiểm tra, đánh giá, giám sát Chương trình; kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình; thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.

Xác định những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Ảnh: Hồ Long

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc trong việc xây dựng Báo cáo và thẩm tra báo cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, do trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện cùng lúc ba chương trình mục tiêu quốc gia nên Chính phủ trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình cần quan tâm rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, quan tâm đến tính bền vững và hiệu quả của Chương trình. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo triển khai các mục tiêu cụ thể có thể thực hiện được, bảo đảm tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nội dung, kinh phí thực hiện các dự án thành phần cần được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng trong các Nghị quyết đã được Quốc hội phê duyệt. Về các giải pháp thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Chính phủ cần làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đối với từng nội dung, hoạt động của Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường
Ảnh: Hồ Long

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc và ban hành sớm Quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng phương án, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp đầu tư thực hiện Chương trình hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025; xác định những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, cần ưu tiên đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần nhìn nhận Chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Đối với các kiến nghị của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Dân tộc phải có tờ trình cụ thể về các kiến nghị để gửi các bộ xem xét thẩm định, trình Chính phủ; nếu vượt thẩm quyền của Chính phủ thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội.

Thanh Chi