Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025:

Cần cơ chế đặc thù huy động nguồn lực

- Thứ Ba, 27/07/2021, 21:32 - Chia sẻ
Đồng thuận rất cao với việc cần thiết phải tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, phải trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương; có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho phép phát huy sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn trong triển khai chương trình, trong thu hút nguồn lực đầu tư theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên): Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

Từ những hạn chế, yếu kém được rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo vừa qua, tôi kiến nghị: Cần tích hợp nguồn lực 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở những vùng đặc biệt khó khăn như đã đề cập trong Phụ lục 1, mục 3.1. Đồng thời, trong quyết định đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung nguồn lực cho các vùng này để dẫn dắt các nguồn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy hiệu quả, tránh tình trạng mà chúng ta vẫn hay nói là "đầu tư manh mún, dàn trải, gây lãng phí".

Phải có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho phép phát huy sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn trong thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong chủ động kêu gọi thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh mình theo tư duy Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tạo ra những ưu đãi đủ sức hút, đủ lực hấp dẫn trong đầu tư công - tư (PPP), kể cả mở ra cơ hội đầu tư theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng điện, nước sinh hoạt và hạ tầng công nghệ thông tin tại các vùng đặc biệt khó khăn bởi chính sự đầu tư này sẽ dẫn dắt, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tạo ra cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước, cả thị trường quốc tế. Đồng thời, góp phần tích cực nâng cao dân trí đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh, quốc phòng và xây dựng đường biên giới hòa bình.

ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam): Đã đặt mục tiêu thì phải bố trí đủ nguồn lực

Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ, các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng báo cáo khả thi, hoàn thiện các dự án và ban hành các văn bản chính thức để tổ chức thực hiện, hướng dẫn rõ ràng các cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp, lồng ghép, bao gồm cả nguồn lực, định mức tài chính theo đúng tinh thần Thủ tướng đã nêu.

Ảnh: Quang Khánh

Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, phân bổ nguồn lực, định mức khung, cơ chế khung, thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn còn lại phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp để xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể, giải pháp thực hiện cụ thể phù hợp với đặc điểm, tính chất nghèo, nguyên nhân nghèo cũng như lối sống, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng địa phương, từng vùng, miền, hộ nghèo thì mới sát với thực tiễn và mới có hiệu quả. Đây không phải vấn đề mới. Nghị quyết số 76 của Quốc hội từ năm 2014 đã yêu cầu nhưng Chính phủ triển khai chưa thật mạnh mẽ.

Mục tiêu quan trọng nhất của các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng luôn hướng đến người dân, vì người dân, bảo đảm sinh kế cho người nghèo và phải tạo việc làm bền vững, thu nhập đủ sống. Trên cơ sở đó, cùng với các giải pháp về hạ tầng, đất đai, tín dụng, các dịch vụ xã hội cơ bản khác mới có thể giúp người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, hướng đến cải thiện và nâng cao mức sống. Do đó, cần thiết phải ghi rõ mục tiêu, chỉ tiêu về việc làm có thu nhập đối với hộ nghèo để sau này đánh giá hiệu quả chương trình thực chất hơn.

Kể từ năm 2022, chúng ta sẽ chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới, nâng mức cả về thu nhập và các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội, y tế nhà ở, nước sạch, vệ sinh. Chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao khi áp dụng chuẩn nghèo mới. Điều này đòi hỏi rất lớn về nguồn lực, nhân lực, sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, nhất là các nơi mà hiện nay đang là lõi nghèo. Chính vì vậy, việc bố trí nguồn lực cần tính toán cho khả thi và khi đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thì phải cố gắng bố trí đủ nguồn lực.

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam): Ưu tiên giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm tại chỗ

Tôi đề nghị quan tâm tập trung nguồn lực cho 3 dự án lớn: Một là, đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Hai là, hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Ba là, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở. Tuy nhiên, qua nghiên cứu 3 dự án này, đề nghị tích hợp nội dung về hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo thành một dự án riêng. Bởi vì đây là 3 dự án có 3 nội dung có mối quan hệ tác động qua lại. Muốn hỗ trợ sản xuất thì mục tiêu của nó là đa dạng sinh kế, phát hiện ra các mô hình giảm nghèo hiệu quả và giải quyết việc làm. Do vậy, những nội dung này phải vào một đề án riêng. Như vậy, chúng ta mới rạch ròi và tập trung đầu tư, để rải rác như phương án trình hiện nay là rất khó, sẽ chồng lấn. Trong đó, cần ưu tiên vấn đề giáo dục nghề nghiệp, gắn với việc làm, đặc biệt là gắn với việc làm tại chỗ. 

Ảnh: Quang Khánh

Về nguồn lực đầu tư, qua theo dõi thực tiễn ở nhiều địa phương cũng như ở Quảng Nam, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tập trung hỗ trợ ngân sách qua kênh vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện rất tốt vấn đề này, giải quyết cho hơn 6,7 triệu người nghèo được vay vốn, dư nợ hơn 220.000 tỷ đồng nhưng nợ xấu, nợ quá hạn chỉ 0,42%. Đây là một trong những biện pháp để xóa đi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tức là người ta có ý thức vay vốn, chăm lo sản xuất và trả nợ cho Nhà nước. Như vậy, để xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại cần có chủ trương phù hợp, trong đó, cần tăng ngân sách nhà nước kể cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thông qua ủy thác là Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo vay vốn.

Nguyễn Bình