Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Căn cơ, kịp thời, đúng đối tượng

- Thứ Ba, 29/06/2021, 05:40 - Chia sẻ
Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ thực tiễn ban hành và thực thi các gói hỗ trợ trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, các chính sách mới phải thực sự căn cơ, kịp thời, đúng đối tượng.

Chủ trương đúng đắn, cấp bách

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, việc Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trước những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

5 tháng đầu năm nay, nước ta đã có hai đợt bùng phát dịch Covid-19, với nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng có tính chất phức tạp hơn, gây áp lực lớn lên ngành y tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I.2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập, khiến 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng.

Dịch bệnh đã tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu như: người lao động trong khu vực chính thức buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao; lao động ở khu vực thành thị bị tác động của dịch Covid-19 nhiều hơn khu vực nông thôn đến 5%. Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…

Nguy hiểm hơn, các đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh, tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung số lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Ông Nguyễn Hoàng Mai đánh giá, lực lượng sản xuất tạo ra tăng trưởng kinh tế chính của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập và đời sống người lao động khó khăn, thị trường lao động một số lĩnh vực khó phục hồi sớm nếu dịch Covid-19 tiếp tục xảy ra như thời gian vừa qua và không có "giá đỡ", "điểm tựa" để khôi phục.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc ban hành chính sách hỗ trợ mới cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất cần thiết và cấp bách bởi dịch bệnh tái bùng phát nhiều lần khiến sức khỏe doanh nghiệp dần suy kiệt. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các biện pháp hỗ trợ cần được thực hiện quyết liệt, thần tốc hơn theo phương châm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện.

Vừa phòng, chống dịch vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất - Nguồn: ITN

Bám sát thực tiễn ảnh hưởng để hỗ trợ phù hợp

Thời gian qua, nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã đi vào cuộc sống, như: Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Thông tư của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021…

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, việc triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lúng túng, chậm triển khai gói hỗ trợ Covid-19 lần trước do đây là lần đầu tiên triển khai chính sách mới, chưa có tiền lệ. Lần trước, đối tượng chúng ta mong muốn hỗ trợ là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số địa phương do quá thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót, sợ lợi dụng chính sách nên việc rà soát, tránh trùng lặp đối tượng trong quá trình lập danh sách mất nhiều thời gian, thủ tục phê duyệt chậm. Các điều kiện để các đối tượng được hỗ trợ lại tương đối khắt khe, mức hỗ trợ cũng chưa thực sự hấp dẫn nên một số doanh nghiệp, người lao động thuộc diện được hưởng chính sách cảm thấy không đáng để thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu.

Nêu một số nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong triển khai các gói hỗ trợ Covid-19 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh, phải rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng thực thi các chính sách hỗ trợ mới, tạo thuận lợi hơn để các đối tượng “đích” của chính sách nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Nhà nước. Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, các biện pháp hỗ trợ cần thiết thực hơn, đơn cử như việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động nhằm giúp họ yên tâm lao động sản xuất, duy trì sản xuất trong trạng thái “sống chung với dịch bệnh”, bảo đảm không đứt gãy chuỗi liên kết trong bối cảnh các quốc gia khác đang dần phục hồi kinh tế. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị, Chính phủ cần nhanh chóng sơ kết, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trong triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thời gian qua. Bên cạnh đó, cần bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp, tập trung rà soát, phân hóa đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp nhằm bảo đảm triển khai chính sách hỗ trợ chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.

Nhật An