Cần có nhiều "dữ liệu" hơn...

- Thứ Sáu, 28/01/2022, 06:15 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ ngày 1.4 sẽ thực hiện điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022 để làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp thuộc diện khảo sát phải được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1.1.2021 và hiện vẫn đang hoạt động. Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như chi phí, quỹ tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, lợi nhuận trước thuế và các khoản phải nộp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động về hợp đồng, thỏa ước lao động; tuyển dụng và đào tạo lại.

Các khảo sát về tình hình lao động, tiền lương gồm số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Đặt biệt, Bộ sẽ khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.

Thực tế, trong năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tăng lương tối thiểu vùng đã "lỡ hẹn". Vậy nên như ý kiến của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại Hội nghị về tiền lương của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; xác định mức lương tối thiểu đủ sống và mức sống tối thiểu của người lao động để đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2022 diễn ra mới đây thì yêu cầu tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết.

Lý do là bởi trong điều kiện bình thường, mức lương cơ sở vốn dĩ chưa thể đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động. Khi dịch Covid-19 bùng phát, điều kiện sống càng khó khăn hơn. Hiện nay, với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường, trong đó, có không ít doanh nghiệp phát triển tốt, thậm chí đột phá về doanh thu, lợi nhuận - cho nên, yêu cầu tăng lương tối thiểu không nên trì hoãn thêm.

Đây là đòi hỏi chính đáng, tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ rộng hơn sẽ thấy rằng, việc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng những năm trước đây thường khó tìm được tiếng nói chung giữa đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp, ngoại trừ việc thống nhất không tăng lương năm 2021 bởi nhiều lý do. Vậy nên, dù khảo sát này mới chỉ là "động tác khởi động" để làm cơ sở cho việc xem xét tăng lương tối thiểu cho năm 2023 thì vấn đề mấu chốt vẫn là tình hình kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng thời điểm này nên tập trung phục hồi sản xuất để lao động bị mất việc có việc làm, có thu nhập.

Năm 2022 được coi là năm chuyển tiếp với các dự báo kinh tế sẽ thoát khỏi khủng hoảng nhưng quyết định có tăng lương tối thiểu vùng năm 2023 hay không sẽ cần nhiều "dữ liệu" chính xác, có tính bền vững hơn. Và thực hiện điều tra về lao động, tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022 là một trong số những "dữ liệu" đó.

Ninh Hà