Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Cần đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng tác động của đại dịch đến giáo dục - đào tạo

- Thứ Năm, 11/11/2021, 16:41 - Chia sẻ
Kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp chiều nay, 11.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của đại dịch Covid-19, trong đó, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Bộ thích ứng với tình hình mới.
Ảnh: Quang Khánh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ảnh: Quang Khánh

Quan tâm yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách 

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thu hút sự quan tâm đông đảo của các đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh và các bậc phụ huynh học sinh trên toàn quốc. Tại phiên chất vấn đã có 28 đại biểu chất vấn, 10 ý kiến tranh luận, 1 đại biểu đã có câu hỏi nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chưa trả lời do hết thời gian. Ngoài ra, còn có  20 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa được chất vấn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị 21 đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tuy mới giữ cương vị người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo chưa lâu, nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách; trả lời kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu chất vấn, tranh luận. 

Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 như việc đảm bảo chất lượng dạy và học; tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trước tác động nặng nề và diễn biến vẫn khó lường của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách để góp phần phát huy, duy trì đạo đức xã hội hiện nay cũng như cho thế hệ tương lai của đất nước; công tác dạy và học trực tuyến cần phải bảo đảm thực chất và có hiệu quả, công bằng trong tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa các vùng miền; giảm tải chương trình học, giải pháp đột phá nhằm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh – sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh…

Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề về việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như các nội dung liên quan đến triển khai dạy và học bằng hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời, làm rõ thực trạng khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với những vấn đề thuộc nhóm nội dung chất vấn đặt ra; có phân tích theo từng cấp học, như giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục đại học.

Các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần phân tích, đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Bộ thích ứng trong tình hình mới; xây dựng và thực thi chiến lược chương trình tổng thể thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn và hiệu quả với dịch Covid-19 từ chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải chương trình cho học sinh, bảo đảm điều kiện vật chất trang, thiết bị phù hợp cho dạy và học trực tuyến; phối hợp các cấp, ngành, địa phương trong bảo đảm công tác an toàn trường học.

Sớm triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid - 19 cho học sinh

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, sớm triển khai chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid - 19 cho học sinh. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để sớm đưa học sinh – sinh viên trở lại trường theo lộ trình. Nhấn mạnh yêu cầu phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, có chiến lược rõ ràng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải có kế hoạch, lộ trình để học sinh – sinh viên trở lại trường học; đúc rút kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi phổ thông trung học quốc gia 2021, sớm hoàn thiện kế hoạch tổ chức kỳ thi phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022; tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, cơ sở giáo dục trong đào tạo, tổ chức thi và công tác tuyển sinh.

Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách; phối hợp với các bộ ngành, cân đối, bố trí đủ kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, sớm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập, cả về đầu mối, trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần của Nghị quyết 19 của TW và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với đẩy mạng xã hội hóa trong lĩnh vực này, tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, không để xảy ra các vụ việc tương tự trong một số đơn vị y tế thời gian qua. Lưu ý việc mở mã ngành sức khoẻ của các trường, bảo đảm chất lượng; tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong cả các đơn vị sự nghiệp công và ngoài công lập bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Thanh Chi