Cần đánh giá thực chất, đầy đủ hơn về tác động của đại dịch Covid-19

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:05 - Chia sẻ
Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc, các ĐBQH tỉnh đã sôi nổi thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện tốt mục tiêu kép

Theo đó, các ĐBQH tỉnh đều khẳng định: Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những kết quả quan trọng mà đất nước đạt được về phát triển kinh tế - xã hội đã thể hiện rõ nét những cố gắng, nỗ lực và sự sáng tạo, linh hoạt của Quốc hội, Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng thể chế kinh tế và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh của đất nước.

Chia sẻ tại buổi thảo luận tổ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh đến tinh thần đổi mới của Quốc hội trong nhiệm kỳ, đồng thời đánh giá cao trách nhiệm, quyết tâm của Chính phủ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Điều này được thể hiện qua chỉ số thu ngân sách Nhà nước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu và huy động vốn đầu tư toàn xã hội… Đặc biệt, số ca mắc nhiễm và tử vong đã giảm nhanh chóng, số người được điều trị khỏi bệnh đã cơ bản. Mặt khác, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng đề nghị trong các báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thực chất, đầy đủ hơn về tác động của đại dịch Covid-19; phân tích sâu, làm rõ nguyên nhân một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt. Về việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội. Cho đến nay, nhiều quy hoạch quan trọng ở cấp quốc gia vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, các đại biểu cho rằng cần phải đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của vấn đề này, đặc biệt làm rõ dịch Covid-19 có thực sự là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch không (tránh tình trạng hạn chế nào cũng quy về nguyên nhân do dịch Covid-19); xác định rõ trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch; đồng thời, đề ra mốc thời gian cụ thể phải hoàn thành việc lập quy hoạch.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan phát biểu tại thảo luận tổ

Khẩn trương việc tiêm vaccine cho các địa phương

Xoay quanh các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trong năm 2022, cơ bản các đại biểu đồng tình với chỉ tiêu, giải pháp mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị nghiên cứu một số nội dung, cụ thể: Mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) cần xem xét lại trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 cho sát với thực tế đất nước; khẩn trương hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm còn thấp. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhất là trẻ em mồ côi do cha mẹ, người thân qua đời do đại dịch và khi ban hành văn bản, quy định liên quan đến quyền công dân thì cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, có đánh giá, tác động, chuẩn bị công tác truyền thông, lắng nghe ý kiến người dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần phải khống chế bằng được dịch bệnh, do đó, đề nghị Quốc hội quan tâm dành ngân sách đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và ứng phó với dịch bệnh; đẩy nhanh việc tiêm vaccine bao phủ 100% cho các đối tượng càng nhanh càng tốt. Mặt khác, Chính phủ cần phải xây dựng kịch bản tăng trưởng cho phù hợp; tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách tài chính, các gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị Trung ương cần thống nhất các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch để các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp, không ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa và hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và đời sống người dân; đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

TRỌNG HIẾU